Thổ Nhĩ Kỳ tung F-16 lên bầu trời, đe dọa Armenia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16-7 tuyên bố sẽ đưa các chiến đấu cơ F-16 lên bầu trời, chính thức đe dọa Armenia bằng sự can thiệp vào cuộc xung đột ở biên giới với Azerbaijan.

Thổ Nhĩ Kỳ tung F-16 lên bầu trời, đe dọa Armenia ảnh 1

Chiến đấu cơ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ

Với sự vượt trội rõ ràng của Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng quân sự so với Armenia, tuyên bố trên của Ankara thực sự là một mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với Yerevan.

“Chúng tôi lên án mạnh mẽ cuộc tấn công nặng nề của Armenia nhằm vào khu vực Tovuz thuộc Azerbaijan. Nỗi đau của người Azerbaijan cũng là nỗi đau của chúng tôi. Cái chết của binh sĩ Azerbaijan không thể không có lời giải đáp”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói.

Với các mối quan hệ hiện tại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, Ankara rất có thể sẽ trở thành bên tham gia vào cuộc xung đột quân sự Armenia-Azerbaijan, tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức rõ rằng, trong trường hợp này có nguy cơ đụng độ rất cao với Nga, bởi Matxcơva đang hỗ trợ quân sự đắc lực cho Yerevan.

Trước đó, có thông tin cho rằng, các máy bay trực thăng tấn công của lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã bắt đầu bay trong không phận Armenia, do đó đã ngăn chặn được việc Thổ Nhĩ Kỳ giúp Azerbaijan tấn công Yerevan.

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng, Nga hiện tại có nhiều khả năng đóng vai trò là một người hòa giải, cố gắng dàn xếp Armenia và Azerbaijan, tuy nhiên, việc Ankara đưa ra những tuyên bố khiêu khích như vậy, chẳng khác gì như thêm dầu vào lửa.

Cần lưu ý là, trong vài giờ qua, tình hình ở khu vực biên giới hai nước Armenia và Azerbaijan đã trở nên phức tạp hơn nhiều, khi vũ khí hạng nặng đã được nhìn thấy triển khai đến đó.

Azerbaijan và Armenia vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài hàng thập niên liên quan tới khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh sau khi Liên Xô tan rã. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.