Thợ may ở phố cũ

ANTĐ - Loanh quanh những phố cũ ở Hà Nội, có một đoạn thời gian rất dài, thậm chí tới tận bây giờ, hầu như tất cả các thợ may giỏi đều là đàn ông. 

Thợ may ở phố cũ ảnh 1

Bọn họ đa phần chẳng theo trường lớp thời trang nào cả, hoặc được truyền nghề theo nghiệp nhà kiểu như mấy ông biển hiệu có chữ “Trạch” (vì tổ nghề là người làng Trạch Xá) chuyên áo bông áo kép ở Lương Văn Can. Hoặc miệt mài tần tảo học lỏm từ hồi còn là cậu “phó nhỏ” kiểu như mấy ông có chữ “Hưng”, chuyên vét tông sơ mi ở Tràng Tiền hay Hàng Gai. Rồi khi đã thành danh thành thạo, đa phần bọn họ sẽ đứng ra tự mở cửa hàng (ngoài Bắc không dùng chữ tiệm) để làm ông chủ.

Và giống như các ông chủ hàng phở, hầu hết các ông chủ tiệm may đều khá gia trưởng. Một ông chủ phở lừng danh ở Bờ Hồ đã từng tuyên bố một câu được nhiều ông chủ may tán thưởng, “phụ nữ giỏi lắm thì chỉ thái được bánh, chứ không được phép thái thịt”. Không phải ngẫu nhiên mà các ông chủ này thường đẻ con gái. Bọn họ luôn coi đàn bà là thứ chỉ làm việc vụn như thùa khuyết đơm khuy hoặc lên gấu quần… Mà ngay ở đám khách hàng sành điệu quen thuộc, cũng sâu xa tin rằng, đàn bà cắt cái áo sơ mi còn là khó chứ đừng nói dựng nổi một bộ vét.

Ngoại hình các ông chủ nhà may thành danh ở phố cổ thường phảng phất giống nhau. Mắt hấp háy lòe nhòe, ăn mặc tuềnh toàng tới mức nhếch nhác, cho dù nghề của họ là làm đẹp cho người. Quần luộm thuộm rẻ tiền, quanh cổ lòng thòng một cái thước dây đã lấm chấm mấy nốt ố vàng vì nước chè.

Những ông chủ may siêu nghề đều biết đo bằng mắt. Nhác thấy mấy quý ông đang loay hoay lúng túng đứng trước chồng chồng xếp vải, họ thường đưa ra những lời khuyên khá chân thành, tinh quái sắc sảo. Ông cao thế này thì nên chọn màu vải này. Ông tròn thế kia thì nên chọn kiểu dáng thế kia. Đến khi may cắt xong xuôi, hóa ra hợp thật. Cái câu thành ngữ thâm thúy “mắt thợ vợ lính” chắc chắn có xuất xứ từ nghề may.

Vào thời bao cấp, rất nhiều “mốt” thời trang nam nữ đều do các ông thợ may tài hoa ở Hà Nội bay bướm sáng tạo. Kể cả cho đến những năm “chín mươi” ở thế kỷ trước, lúc đất nước ta bắt đầu mở cửa đổi mới thì cái câu nhạc chế “Em ơi Hà nội váy” từ một bài hát đang thời thượng về phố cũng được vỉa hè đồn là của anh thợ may trẻ tên Trung, người có công cách tân hàng loạt “đầm Tây” sang váy ta. Bởi hồi ấy, nhất là thời gian trước nữa, hiếm hoi mới có mấy quyển “các ta lô” thời trang được thỉnh thoảng dấm dúi cầm về từ Đông Âu.

Phần lớn đám quý ông quý bà bất kể tuổi ở phố cổ mê ăn diện, đều hóng hớt kiểu dáng quần áo từ lác đác phim ảnh. Họ cứ mơ hồ bê nguyên như thế tới tả cho ông chủ nhà may quen. Ông này vừa nghe vừa lấy cái mùi xoa lau mắt toét, gật gù. Hiểu rồi, có nghĩa là cổ lá sen đúng không hả cô. Còn cái vệt nổi đấy là “nẹp bong”, khó quái gì đâu. Quần ống loe thì quá dễ, tôi mở thêm cho cậu hẳn 5 phân.

Cái áo cái quần may xong, ông khách cầu kỳ sững sờ tự ngắm nghía trước gương, sao thấy mình giống tài tử Đây A Nốp người Bun của phim truyền hình “Trên từng cây số” đến thế. Tất nhiên tiền công có cao hơn một chút, miếng vải mình cầm đến có bị bớt một chút. Nhưng mà có sao, “thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ” cơ mà. Có lẽ từ tứ của thành ngữ này mà một nhà văn trẻ đã viết truyện ngắn “Thợ may” khét tiếng nhận giải cao năm 1989.

Truyện đại loại kể có một ông may rất giỏi ở Khâm Thiên, khách hàng đông lắm. Ông ta may đẹp nhưng hay gạn vải của khách, nhất là ở phần đũng quần. Ông ta khát khao con giai và sinh hạ được một thằng bé dĩnh ngộ vô ngần. Hiềm một nỗi “chim” của nó cực bé, xinh xắn vừa đúng chỗ đũng mà ông ta hay ăn bớt. Rất nhiều độc giả tin là câu chuyện có thật. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy, nghề nào mà chẳng có nghiệp (karma).

Người Hà Nội ở vào cái thời bao cấp ăn diện vất vả, nói chung đều đa phần xun xoe cố quen thân một ông thợ may, đặc biệt là những ông hành nghề trong ngõ nhỏ không biển hàng biển hiệu phóng khoáng thích văn nghệ văn “gừng”.

Không phải ngẫu nhiên mà trong những bữa rượu thân mật tại tư gia  các nghệ sĩ biểu diễn (lúc đó chưa có từ showbiz) khét tiếng là “chảnh”, thường thấp thoáng bóng dáng cao đạo của một vài ông thợ may. Ngày nay, thời trang nam nữ may sẵn tràn ngập phố, những ông thợ giỏi gần như tuyệt truyền. Chao ôi, “những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ”.