Thơ hay mà ít người biết

ANTĐ - Vừa rồi Nguyễn Xuân Thâm đã cùng một số bạn văn trong Hội Nhà văn Việt Nam ra thăm vùng than Đông Bắc, mang về mấy bài thơ hay.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm

Chúng tôi mấy anh em bạn hữu xúm xít nghe thơ anh trong một căn buồng hẹp không quá mười mét vuông và không cửa sổ. Nhưng đấy lại đang là đại bản doanh tạp chí Thơ, một tờ báo tạm gọi là còn giữ được chút nhan sắc trong đời sống văn học - nghệ thuật hôm nay của chúng ta.

Anh Thâm viết cho tôi mấy câu mùa xuân này: “Nụ tầm xuân bên dậu, giữ sắc hương đất nhà, hoa giữa đời bụi bậm, nở trên đỉnh kiêu sa”. Và anh viết sau chuyến đi vùng than mới rồi: “Mạo Khê, hòn than ngời, con gái nhà sàng, Trắng”. Tôi nói dưới ấy nhiều cô hát hay, nên thêm một dòng “và hát hay”. Anh nhìn tôi lấy làm ái ngại, lắc đầu. Không, mất nhịp điệu. Tôi lại thấy anh đúng. Mất nhịp điệu thì còn gì khổ bằng. Rồi người ấy hai tay đút túi quần, giọng Huế nhẹ nhàng đọc mấy câu thơ làm lúc nghe nhạc Trịnh: “Nhà ai Khánh Ly hát, thảng thốt trời xanh trên mái nhà thờ”.

Tuổi già mà chí vẫn bền, tình sâu nghĩa nặng, không thế làm sao đủ bút lực để có nổi những trang thơ đẹp như anh đã viết và đang viết.

Sống vui sống khỏe là ao ước của mỗi người cao tuổi, nhưng được và được đến đâu chuyện đó còn tùy thuộc ở như tâm tính bản lĩnh mỗi người. Mười năm trước với anh Thâm là nhiều bối rối, ba lần leo lên bàn mổ chỉ vì một căn bệnh hiểm nghèo, đục đẽo vỡ khắp mặt, nhiều lúc tưởng khó lòng qua nổi vậy mà vẫn qua, lại trở về. Trở về để tiếp tục hoàn thiện mình mỗi ngày và để làm thơ hay hơn nữa. Vậy thôi.

Cây trầm mang nỗi đau của trầm, con trai ngậm ngọc mang cái đau của ngọc, những người cầm bút có phong độ không ai là không mang trong lòng những âm thầm mình biết với mình. Đời Nguyễn Xuân Thâm cũng không vượt ra ngoài. Anh sống như mọi người, sóng gió như mọi người. Và đến độ tuổi nào đó mọi người cầm bút đều sẽ gặp một sự thật, cái duyên làm nên ta bỏ ta mà đi, ta trở lại ta trong xạc xờ nhung tuyết, chữ nghĩa dắt đầy mình mà sao tẻ nhạt đến vô hồn. Đấy là lúc ta cần phải biết đón nhận.

Một lần Đại hội Nhà văn tôi được cắt vào chân tiếp khách, ngồi trong phòng suốt buổi không thiết ra hội trường. Một đồng chí ngành an ninh lấy làm phiền lại gần tôi hỏi chuyện, ngoài kia đang có một cụ râu tóc rối bù ngồi ngay hàng đầu là cụ nào đấy ạ. Tôi bảo đấy là cụ Vũ Đình Liên nhà thơ lão thành, nhà giáo nhân dân khoa văn Đại học Sư phạm, khách mời danh dự của đại hội, xem chừng ông cụ cũng chỉ đến nổi với chúng ta lần này nữa thôi. Dưới Hải Phòng đang còn có cụ Lê Đại Thanh, hai cụ là bạn thân của nhau. Vừa rồi cụ này làm bài thơ rất hay, “Người đàn bà điên ở ga Lưu Xá“, cụ kia đọc xong làm một bài cũng hay không kém gửi lên tặng bạn, “Hoa bồng hoa bưởi cầm tay, rắc lên những mái tóc dầy, đêm đen”...

Xem chừng cái ngày ấy cũng sắp đến với tôi với anh Thâm. Mỗi chúng ta đang đợi nó, đến với nó trong sự chủ động như câu thơ anh một tết nguyên tiêu đã được bạn bè chọn mang thả lên trời, “Lá chàm bay lả trên vai rách, áo bạc hồng lên lớp bụi rừng”. Trong cuộc thi thơ báo Lao động ngày ấy, ông Chế Lan Viên thay mặt ban giám khảo đã nhận xét: Thơ Nguyễn Xuân Thâm nhiều câu hay nhưng ít người để ý đến. Tôi không lấy thế làm lạ, giờ đây mỗi khi thấy anh cười, lại nghĩ thầm, anh là người hoàn toàn có thể cười ở vòng cuối của mình.