Thở, ăn, uống đều có thể gặp nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thật sự cao?

ANTD.VN - "Phát triển kinh tế suy cho cùng cũng là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng từ thở đến uống và ăn đều nguy hiểm, thì chất lượng cuộc sống có thực sự nâng cao", đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) đặt vấn đề trong phiên thảo luận kinh tế xã hội của Quốc hội, chiều 31-10.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên)

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho biết trong quá trình phát triển kinh tế, chúng ta phải đối mặt với vấn độ ô nhiễm, hệ lụy là bệnh tật, suy yếu sức khỏe cho thế hệ tương lai.

“Phát triển kinh tế suy cho cùng cũng là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhưng sống trong môi trường ô nhiễm từ không khí tới nguồn nước, thực phẩm, tức là từ thở đến uống và ăn đều nguy hiểm, thì chất lượng cuộc sống có thực sự nâng cao?!”, bà Phúc nói và cho biết vấn đề môi trường luôn được cử tri, nhân dân quan tâm, kiến nghị nhưng ô nhiễm vẫn tiếp diễn.

“Liệu Chính phủ đã thực sự vào cuộc xử lý quyết liệt vấn đề ô nhiễm hay chưa”, bà Phúc đặt câu hỏi. 

Nêu thực trạng ô nhiễm tại hệ thống sông Bắc Hưng Hải đang ở mức nghiêm trọng cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, bệnh viện, làng nghề, cơ sở sản xuất, chăn nuôi… đại biểu tỉnh Hưng Yên gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị như có chính sách khuyến khích ngành công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải; tăng chế tài xử lý ô nhiễm; có cơ chế liên kết vùng với vấn đề này.

Ô nhiễm không khí tại những thành phố lớn ảnh hưởng tới chất lượng đời sống người dân

Cùng quan tâm tới vấn đề môi trường, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) nhắc lại một số sự cố liên quan đến xả thải của doanh nghiệp ra biển, sông gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người dân khai thác thủy sản và làm nghề nuôi trồng thủy sản.

Hay sự cố dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà cấp cho nhà máy nước ở Hà Nội vừa qua cho thấy công tác quản lý Nhà nước đối với nguồn nước ngọt còn nhiều sơ hở, ẩn chứa nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân.

"Sẽ ra sao nếu vừa rồi, chất gây ô nhiễm không phải là dầu mà là một loại hóa chất độc hại khác", ông Giang đặt câu hỏi, đồng thời kiến nghị Chính phủ tiến hành quy hoạch liên quan đến nguồn nước lưu vực sông theo Luật Quy hoạch để đảm bảo chất lượng nguồn nước.

Bên cạnh đó, cần tổng kiểm tra các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan đến nhà máy nước trên cả nước.