Thít "yết hầu" bành trướng

ANTĐ - Ứng cử viên Tổng thống Mỹ nặng ký Donald Trump muốn dùng thương mại như một biện pháp cứng rắn để thắt “yết hầu” kinh tế nhằm đối phó với những hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thít "yết hầu" bành trướng ảnh 1Ứng cử viên Tổng thống Mỹ - Donald Trump muốn dùng thương mại
để ngăn chặn Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông

Trả lời phỏng vấn tờ “Thời báo New York” (The New York Times, Mỹ) mới đây, tỷ phú Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống Mỹ cho biết, nếu thắng cử ông muốn sử dụng thương mại như một công cụ để ngăn cản các hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ông Donald Trump cho rằng, cách tốt nhất để ngăn cản Bắc Kinh thiết lập các sân bay quân sự và tên lửa phòng không tại Biển Đông là ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ.

Giải thích lý do dùng thương mại như biện pháp nhằm ngăn chặn những hành động quân sự hóa một cách ráo riết trên Biển Đông của Trung Quốc, tỷ phú Donald Trump cho biết, Mỹ hiện có “quyền lực kinh tế lớn đối với Trung Quốc”. Đó là “sức mạnh của thương mại” bởi Trung Quốc đang sử dụng Mỹ như ngân hàng của họ, như con heo đất của họ, họ lấy tiền của chúng ta mà không trả lại”.

Đề xuất của ông Donald Trump được đưa ra giữa lúc chính quyền Mỹ thời gian qua  đã tỏ ra kém hiệu quả trong việc ngăn chặn Trung Quốc tiến hành quân sự hóa trên Biển Đông. Trong khi đó, theo các chuyên gia, quân sự hóa chính là bước đi nguy hiểm và hung hăng nhất của Trung Quốc nhằm thực hiện tham vọng đòi hỏi chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông mà Bắc Kinh đã công khai trong yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn.

Sau khi Trung Quốc liên tục gây hấn với các nước láng giềng để đòi hỏi chủ quyền phi lý trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, chính quyền Mỹ đã  triển khai ngay chính sách xoay trục nhằm kiềm chế và ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Đến khi Bắc Kinh leo thang tiến hành quân sự hóa trên Biển Đông như xây đảo nhân tạo, điều tên lửa, máy bay tới đồn trú… Washington liền đưa máy bay do thám, tàu khu trục, tàu ngầm tiến hành tuần tra sát các đảo nhân tạo nhằm cảnh báo, răn đe.

Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp răn đe, kiềm chế và ngăn chặn của Mỹ - quốc gia tuyên bố có lợi ích sống còn ở châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc không những không chùn bước mà ngày càng tỏ ra hung hăng hơn trong việc thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình. Trong bối cảnh các biện pháp ngoại giao và quân sự chưa cho thấy hiệu quả, đề xuất dùng giải pháp kinh tế của ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump được không ít người chú ý.

Có thể nói, việc làm ăn kinh tế với Mỹ, đặc biệt là xuất khẩu, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong suốt 3 thập kỷ qua, giúp quốc gia này vươn lên trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới. Sức mạnh kinh tế gia tăng là nền tảng để Trung Quốc xây dựng sức mạnh quân sự - công cụ nhằm thực hiện yêu sách chủ quyền, bành trướng lãnh thổ.

Với trao đổi thương mại song phương lên tới 558 tỷ USD trong năm 2015, việc dùng thương mại như một biện pháp để kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc có thể mang lại những hiệu quả không ngờ, nhất là khi kinh tế nước này đang gặp nhiều khó khăn. Song thít được phần nào vào “yết hầu” kinh tế của Trung Quốc thì Mỹ có thể cũng “khó thở” chẳng kém bởi thương mại với Bắc Kinh cũng đang mang lại tới 800.000 công ăn việc làm cho người Mỹ.