Thịt tươi sống nội địa bị đẩy giá cao vì các loại phí tận thu

ANTĐ - Dù ngành thú y đã loại bỏ đến 35 loại phí và lệ phí nhưng theo thống kê, ngành này hiện vẫn còn rất nhiều loại phí và lệ phí  “đánh” vào con gà, con lợn thông qua thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giết mổ, vận chuyển. Đó là một trong những lý do dẫn tới sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam bị thua hàng ngoại nhập ngay trên sân nhà.
Thịt tươi sống nội địa bị đẩy giá cao vì các loại phí tận thu ảnh 1

Người chăn nuôi không nhớ nổi mình phải đóng bao nhiêu loại phí 

Không nhớ nổi bao nhiêu loại phí

Theo thống nhất giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính, 35 loại lệ phí, phí trong lĩnh vực thú y sẽ được bãi bỏ nhưng nhiều doanh nghiệp và người chăn nuôi cho rằng, đây chỉ là một phần nhỏ trong số những loại phí, lệ phí mà họ đang phải gánh. Bộ Tài chính cũng đã rà soát, thống kê và kết luận, lĩnh vực nông nghiệp đang phải gánh  tới khoảng 1.000 loại phí, lệ phí. 

Ông Đỗ Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 8 triệu hộ dân tham gia chăn nuôi gia cầm, nhưng phần lớn là hộ nhỏ lẻ, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh. Đặc biệt, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam làm ra rất đắt, thịt gà, thịt lợn hay thịt bò đều đắt so với các nước.

“Đắt vì phải gánh quá nhiều loại phí và lệ phí. Hiện riêng ngành chăn nuôi vẫn còn khoảng 40-50 loại phí, lệ phí”, ông Đỗ Duy Khanh thông tin. Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam dẫn chứng, một lọ vaccine đến được tay người chăn nuôi thì ngành thú y thu 8 lần phí. Điều này lý giải vì sao, thịt gà, thịt bò từ Mỹ, Hàn Quốc… lại có thể ồ ạt tràn vào Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu tới 70.000 tấn thịt gà các loại với giá trị hơn 63 triệu USD.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vissan, người chăn nuôi lợn không thể nhớ có bao nhiêu loại phí họ phải đóng cho một con lợn từ lúc mua con giống đến khi xuất chuồng. “Khâu nào cũng đều đóng phí, có thể kể ra như phí kiểm dịch, phí môi trường, phí kiểm soát giết mổ, phí tiêu độc, phí sát trùng phương tiện, phí chì niêm phong, phòng chống dịch bệnh… Giết mổ xong, vận chuyển trên đường lại đóng phí, mức phí vận chuyển trong tỉnh khác ngoài tỉnh, người bán thịt tại chợ lại đóng tiếp phí môi trường…”, ông Văn Đức Mười thông tin.

Giảm phí để giảm giá

Theo ông Đỗ Duy Khanh, một số loại phí doanh nghiệp đã tính vào cơ cấu giá thành chăn nuôi nhưng ngành thú y vẫn tiếp tục thu như phí vệ sinh chuồng trại, phí tiêm phòng… Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, có tình trạng này vì còn lẫn lộn giữa dịch vụ công và quản lý Nhà nước. Cơ quan Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước, không phải đơn vị làm dịch vụ. Nhiệm vụ của họ là làm việc mình phụ trách, còn những dịch vụ công thì chuyển xã hội hóa. Như vậy mới có thể minh bạch và xóa bỏ những loại phí, lệ phí vô lý, tiến tới giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi. 

Ông Dương Tiến Thể, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục này đang tiếp tục rà soát, sửa đổi danh mục phí và lệ phí theo hướng không “ôm đồm” một số loại phí vệ sinh tiêu độc khử trùng, niêm phong phương tiện… Ngoài ra, sẽ kiến nghị Bộ Tài chính chuyển một số khoản thu lệ phí sang phí.

Không chỉ trong lĩnh vực chăn nuôi, mới đây Thanh tra Bộ NN&PTNT kết luận, Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur đã thu của người nhận khoán 17 khoản mục giá thành đối với diện tích vườn cây của công ty như: Khấu hao vườn cây, khấu hao tài sản cố định khác, thuế, chi phí quản lý, bảo hiểm sản xuất, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi phí lao động, vật tư phân bón, dịch vụ tưới, khấu hao máy nông nghiệp nhỏ, dụng cụ sản xuất, bảo hộ lao động, nghỉ phép cán bộ…

Đối với diện tích người dân tự đầu tư trồng, chăm sóc, Công ty thu một số khoản như: chi phí khảo sát, thiết kế khai hoang, nhà cửa các đội và công ty, máy móc thiết bị, sân phơi, kho chứa sản phẩm… với tổng số tiền lần lượt là 1,1 triệu đồng và hơn 4,2 triệu đồng tiền chi phí quản lý/ha/năm. “Công ty tự điều chỉnh phương án khoán, không thông báo, xin phê duyệt của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Rõ ràng, với kiểu thu phí, lệ phí tận thu như hiện nay, người nông dân khó có thể làm giàu, thoát nghèo bền vững trên chính mảnh ruộng, trang trại của mình.