Thịt ngựa chữa nhiều bệnh nguy hiểm

ANTĐ - Để chào đón năm Giáp Ngọ 2014, nhiều gia đình đã mua thịt ngựa về làm cỗ với mong muốn cầu may và thưởng thức những hương vị “khang khác” với thịt bò. Thịt ngựa vì thế cũng trở nên đắt đỏ. Các sản phẩm từ ngựa như cao ngựa, nội tạng ngựa cũng được nhiều người săn lùng.

Phương Tây ngày càng chuộng thịt ngựa do sợ bò điên

Theo tài liệu nước ngoài, ngay từ thời kỳ thượng cổ các nhà ẩm thực đã biết mùi vị đặc biệt của thịt ngựa. Song sau đó thì người ta ít ăn thịt ngựa vì coi ngựa như là “vật chinh phục cao quí nhất của loài người” chỉ dùng để giúp con người trong di chuyển, vận chuyển và lao động cầy bừa đồng áng.

Do sợ bệnh bò điên nên trong vòng 10 năm trở lại đây mức tiêu thụ thịt ngựa đã tăng lên hơn gấp đôi so với trước (tăng 240%). Ở Canada, xu hướng tiêu thụ thịt đỏ thường là thịt bò “bít tết” đã giảm vì một lý do khác: do hàm lượng chất béo “no” làm tăng cholesterol trong máu, song riêng với thịt ngựa, thì người tiêu dùng rõ ràng ưa chuộng hơn  vì thịt ngựa siêu nạc, hàm lượng chất béo chỉ đạt tới 3%. Thịt ngựa được tiếng là “ngọt thịt” là điều rất chính xác, so với thịt bò, vị của thịt ngựa “ngọt” hơn, vì 2 lý do: Nhờ hàm lượng chất glycogen cao gấp 3 lần. Hàm lượng Acid glutamic đem lại vị đậm đà của thịt ngự khá cao (2625 mg%). Chất đạm protein cũng góp phần vào “vị ngọt” của thịt ngựa. Nhược điểm của thịt ngựa có lẽ cũng chính là vì nó hàm chứa nhiều chất bổ dưỡng. Thịt ngựa bảo quản không kỹ, rất dễ bị nhiễm khuẩn nhất là dưới dạng “thịt xay” hay “bằm”.

Ngựa bổ dưỡng hơn ta tưởng

Bác sĩ Phạm Hưng Củng - nguyên Vụ trưởng Y học Cổ truyền (Bộ Y Tế) hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho hay: Ngựa là loại động vật ăn cỏ, từ lâu đã được xếp vào một trong những loài động vật được dùng làm nguyên liệu để làm thuốc. Hầu hết các bộ phận của ngựa đều có thể dùng làm thuốc như xương ngựa, sữa ngựa...

Thịt ngựa có thành phần dinh dưỡng cao, có vị ngọt, tác dụng bổ gân dưỡng cơ. Do vậy, thịt ngựa là một loại sản phẩm rất bổ dưỡng, nó cung cấp nhiều sinh tố, axit amin, khoáng chất, chất sắt, cho nên dùng rất tốt cho những người suy dinh dưỡng, đặc biệt là bệnh nhân đang trị bệnh. Một nghiên cứu ở Mỹ cho kết quả: chi phí cho điều trị các biến chứng trên một bệnh nhân bị suy dinh dưỡng là 26.000 USD, còn ở bệnh nhân không suy dinh dưỡng chỉ tốn 7.000 USD. Như vậy, sử dụng thịt ngựa cho những người có sức khoẻ yếu, cho những bệnh nhân để phục hồi sức khoẻ là rất cần thiết. Đặc biệt, trong thịt ngựa có rất nhiều chất sắt nên những người thiếu máu, phụ nữ mang thai ăn là rất tốt.

Đối với người gầy yếu, mới ốm dậy, suy nhược cơ thể có thể ăn hàng ngày, trẻ em còi xương suy dinh dưỡng ăn thịt ngựa góp phần làm cơ thể cứng cáp, nhanh nhẹn hoạt bát, thanh niên sẽ vạm vỡ, cường tráng, người già chống đau nhức xương và loãng xương… tuỳ thuộc vào lứa tuổi, mỗi ngày có thể ăn từ 50 - 100g. Sữa ngựa có thể uống hàng ngày, mỗi ngày từ 1 - 2 cốc, xương ngựa nấu thành cao, mỗi ngày dùng khoảng 10g, cách dùng ngâm với rượu trắng, mỗi ngày uống 1 - 2 chén nhỏ hoặc cắt thành từng lát mỏng cho vào cháo hay là chưng cách thuỷ với mật ong. Sỏi trong dạ dày hoặc ruột ngựa làm thành bột, uống ngày 1-3g để chữa bệnh động  kinh, điên cuồng.

Với những thành phần phong phú nên cao xương ngựa có thể dùng để phòng và hỗ trợ trị bệnh loãng xuơng. Theo các nghiên cứu, cao xương ngựa cũng giàu protetin, axit amin cho nên rất tốt cho những người cơ thể suy nhược, người già, trẻ em còi xương suy dinh dưỡng, phụ nữ hậu sản. Ngoài ra, cao xương ngựa còn giúp phục hồi sức khoẻ, tốt đối với những người cơ xương yếu, đau nhức, phụ nữ kinh nguyệt không đều, trẻ em xanh xao biếng ăn, vận động viên thể thao…

Theo DS Đỗ Huy Bích và cộng sự ở Viện Dược liệu: Cao xương ngựa có thành phần canxi cao, tỷ lệ Ca/P cân đối, giàu các chất protein có lợi cho xương khớp như kêratin và gêlatin, tạo thuận lợi cho sự phục hồi hệ xương - cơ - gân. Bảng phân tích vi lượng protein cao xương ngựa cho thấy, trong thành phần có đầy đủ các axit amin không thể thay thế (có 10 loại axit amin mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, phải đưa vào cơ thể qua con đường thức ăn hay thuốc bổ sung) đặc biệt là thành phần lysin cao. Cao xương ngựa có thành phần lysin cao, sẽ góp phần cho hấp thu protein nhiều hơn.

Cách chế biến: thịt ngựa rất hợp với các rau thơm gia vị (fines herbes) như mùi, ngò, lá lốt, xương sông, mù tạt, tỏi và tiêu sọ. Ai chưa quen chế biến thịt ngựa, cứ áp dụng như chế biến thịt bò hay thịt bê. Lợi điểm ở đây là, thời gian đun nấu ngắn hơn, chỉ cần 10 - 15 phút / non ½ kg thịt thay vì 20 - 25 phút đối với thịt bò. Một bí quyết khi chế biến thịt ngựa, là phải đợi cho chảo nóng già mới cho thịt vào nhằm tạo một lớp thịt chín ở bề mặt, giữ cho hàm lượng nước, chất béo và glycogen nằm bên trong, không thoát ra ngoài.Chuyên gia ẩm thực khuyên nên rưới “nước xốt” đều tay lên miếng thịt để bảo đảm khi chín miếng thịt được mềm, không bị khô, vì hàm lượng chất béo của nó vốn thấp. Điều cũng rất kỵ là, làm đông lạnh thịt ngựa còn sống, vì làm như vậy càng dễ mất nước, khi ăn sẽ “khô”.