Thím Bảy

ANTĐ - Xóm chúng tôi được gọi là xóm “con vạc”, hầu hết là dân lao động, làm ca kíp. Người này rõ khuya mới về. Người khác lại đi từ sáng tinh mơ.

Cái thời - vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước - thiếu thốn đủ mọi bề. Vợ chồng chúng tôi dành dụm mãi mới mua được cái đồng hồ báo thức để bàn, có con gà mổ thúc đầu ngọ nguậy, chạy lúc nhanh lúc chậm. Nhưng cái đáng nói là chuông báo thức. Đã rè lại còn kêu bé. Có lúc kêu lạch xạch như tiếng chuột chạy trên mái nhà. Vợ tôi vừa sinh con nhỏ, có đêm lục đục tới tận khuya mới được đi ngủ. Tôi lại thường xuyên phải làm ca sáng. Không ít lần cứ đến gần sáng ngủ thiếp đi, say đến mức không nghe thấy cả tiếng chuông báo thức.

Dường như đã “thuộc” đặc tính sinh hoạt của đôi vợ chồng trẻ chúng tôi, nên thím Bảy hàng xóm, thường phải để ý xem sau tiếng chuông đồng hồ, có động tĩnh gì không?

Thật nực cười ở chỗ, cái đồng hồ đặt ngay đầu giường, chỉ cách đôi tai của chúng tôi vài chục xăng-ti-mét, nhưng không ai nghe thấy tiếng chuông kêu. Trong khi thím Bảy hàng xóm cách xa cái đồng hồ vài chục mét, lại nghe rất rõ. Cứ mỗi khi sau tiếng chuông đổ, không gian vẫn im ắng như tờ, là thím vội nhỏm dậy, đi sang sát cái cửa sổ nhà tôi, để… đánh thức chúng tôi dậy. Thậm chí có hôm gọi không thấy thưa, thím đành phải lấy cái que nứa, thò qua cửa sổ để… chọc vào chỗ chúng tôi nằm. Vâng! Tuổi trẻ là như vậy. Nhất là cái cảnh đêm nào cũng giống đêm nào, con quấy khóc, cơm ăn muộn, lên giường nằm thì cũng đã gần nửa đêm. 

Thím Bảy goá chồng sớm, ở vậy nuôi con. Nhà nghèo nhất xóm, nhưng cũng tốt tính nhất xóm. Đứa con tôi lúc ốm đau, sài đẹn, nhờ bàn tay chăm sóc của thím, mà phổng phao. Cũng nhờ có nghề chuyên môn là y tá của thím, vợ chồng chúng tôi cảm thấy như có “bệnh viện” bên cạnh. Gần bốn mươi năm trôi qua, gia đình chúng tôi đã bao lần thay đồng hồ mới. Thậm chí cú lúc người ta thi nhau biếu, tặng đồng hồ treo tường. Vậy mà chúng tôi vẫn giữ lại cái đồng hồ có “con gà mổ thóc” cổ lỗ sĩ. Mỗi lần lên giây cót, lắng nghe tiếng chuông báo thức như người ngạt mũi lâu ngày, bỗng bồi hồi nhớ đến ngày xưa với biết bao gian khổ, khó khăn, nhưng cũng đầy ắp tình người. Và mỗi lần như vậy, chúng tôi lại nhớ tới thím Bảy. Tự nhiên đôi mắt cay xè.