Thiếu tiền, Hà Lan quyết định rút toàn bộ tên lửa Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ

ANTĐ - Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết, nước này sẽ rút các khẩu đổi tên lửa đất đối không Raytheon Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 1-2015, với lý do khó khăn về nhân lực và cải tiến kỹ thuật. 

Hồi tháng 1-2013, Hà Lan đã triển khai 2 trong 3 đơn vị tên lửa phòng không Patriot thuộc Bộ Tư lệnh phòng không triển khai trên mặt đất (DGBADC), có trụ sở tại Vredepeel, trong khuôn khổ sứ mệnh của NATO tới căn cứ không quân Incirlik gần thành phố Adana. Ngoài ra, Đức và Mỹ cũng đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không Patriot tới các thành phố Kahramanmaras và Gaziantep để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với các mối đe dọa tên lửa đạn đạo tiềm tàng từ Syria.

Các khẩu đội tên lửa mà Hà Lan đã triển khai tới Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm các tên lửa Patriot PAC-2 và PAC-3 cùng với 12 bệ phóng.

Theo một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hà Lan, NATO đã được thông báo về kế hoạch rút quân các đơn vị Patriot này "để liên minh có thể lường trước được sự thay đổi về lực lượng".

Thiếu tiền, Hà Lan quyết định rút toàn bộ tên lửa Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1
Một khẩu đội tên lửa phòng không Patriot

NATO vẫn chưa đưa ra quyết định có thay thế hay không hoặc thay thế sự đóng góp của Hà Lan như thế nào. Trong 2 năm qua, không có vụ tấn công tên lửa đạn đạo nào vào Thổ Nhĩ Kỳ được phát hiện. Vị phát ngôn viên trên cho biết thêm rằng: "Rõ ràng, chính phủ Syria không có ý định làm leo thang căng thẳng".

Hai thập kỷ liên tục cắt giảm quân số và trang thiết bị quân sự đã khiến các lực lượng vũ trang Hà Lan gặp nhiều khó khăn, cùng với nhiều vấn đề khác là sự thiếu hụt các nhân viên vận hành hệ thống tên lửa Patriot được đào tạo và có thể triển khai.

Nhằm khắc phục tình trạng này, hôm 22-8 vừa qua, chính phủ Hà Lan đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng của nước này thêm 50 triệu euro (65,9 triệu USD).

Sau khi được đưa trở về Hà Lan, các hệ thống tên lửa phòng không Patriot này sẽ được bảo dưỡng, trong đó có việc nâng cấp phần cứng và phần mềm thành hệ thống vũ khí chính và hệ thống hỗ trợ thông tin liên lạc, mang tên COMPATRIOT.