Thiếu ràng buộc pháp lý, dự án ì ra như... rùa

(ANTĐ) - Được ban hành từ năm 2004, Luật Điện lực đang bộc lộ không ít kẽ hở, gây khó khăn cho công tác thực hiện. Trong đó, nội dung liên quan đến đầu tư phát triển điện cần được quan tâm sửa đổi.
Lỏng lẻo quản lý tiến độ dự án
Tổng kết việc thực thi Luật Điện lực sáng 20-6, Bộ Công Thương cho biết, việc nhiều dự án điện chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra có nguyên nhân từ lỗ hổng của Luật Điện lực. Các dự án điện chậm tiến độ dẫn đến tăng trưởng phụ tải điện không đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng điện của cả nước, gây ra tình trạng thiếu điện bức xúc trong xã hội. Bộ Công Thương chỉ rõ, thời gian qua, việc lựa chọn chủ đầu tư cho các công trình nguồn điện lớn được thực hiện chủ yếu theo hình thức chỉ định ngay trong quá trình lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Quy trình lựa chọn chủ đầu tư này trên thực tế đã mang lại những kết quả không mong muốn. Do không phải cam kết, không áp dụng các chế tài xử lý như trong cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà thầu làm chủ đầu tư, nên hầu hết các chủ đầu tư không tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt về thu xếp vốn, về hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thiết kế, mua sắm, xây lắp…

 Nhiều dự án điện chậm tiến độ dẫn đến tình trạng thiếu điện
 Nhiều dự án điện chậm tiến độ dẫn đến tình trạng thiếu điện

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Điện lực, Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện; các dự án đường dây, trạm biến áp truyền tải sẽ do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng. Việc thi công xây lắp các công trình trạm biến áp, đường dây có rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù di dân, giải phóng mặt bằng hành lang tuyến nên nhiều dự án đường dây, trạm biến áp truyền tải chậm tiến độ.

Cần thực hiện giá điện công bằng
Ông Đàm Tiến Thắng - Trưởng phòng Quản lý điện năng, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay, khách hàng mua điện thì nhiều nhưng chỉ có một người bán nên nhiều trường hợp quan hệ mua bán không bình đẳng. Điển hình là thỏa thuận về vị trí lắp đặt hệ thống điện kế 3 pha (điện kế điện tử), đầu tư dây dẫn sau điện kế nhiều khi còn mang tính áp đặt, có nơi chưa chấp hành đúng quy định gây phiền hà và tâm lý không hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Còn theo ông Đỗ Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc, khi xem xét chính sách giá điện, Bộ Công Thương cần xem xét lại Thông tư 05 về giá bán điện. “Xem qua thì rất tiên tiến nhưng xem kỹ thấy rằng chính sách giá điện mới chỉ phục vụ cho một bộ phận. 3 bậc thang đầu tiên trong khung giá điện rất thấp, nhưng từ bậc thang thứ tư trở đi, khoảng cách giá điện rất cao. Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực điện lực sẽ chết vì không đủ chi phí so với tổn hao điện áp”. Cũng theo ông Mai, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp còn bất hợp lý. Ví dụ các hộ gia đình hiện sống ở thành phố nhưng có nhà ở quê sử dụng dưới 50kWh/tháng, thuộc diện được hỗ trợ 30.000 đồng/tháng. Hỗ trợ cho những đối tượng này có thể không công bằng với những đối tượng thực sự cần hỗ trợ khác, nhưng không thực hiện thì họ thắc mắc.

Đại diện một số doanh nghiệp cũng bất bình với việc họ bị “ép” mua điện với giá cao, phải mua điện vào giờ cao điểm với giá 1.900 đồng/kWh để chia sẻ khó khăn vốn với ngành điện (do năm nay không thiếu điện). Ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc EVN kiến nghị: “Để tránh trường hợp này, Chính phủ chỉ nên quy định khung giá điện và giá bán điện bình quân, còn biểu giá cụ thể do bên mua điện và bán điện thỏa thuận”.

Bên cạnh đó, Luật Điện lực cũng bộc lộ những kẽ hở khác khiến cho ngành điện từ chối đầu tư mà không vi phạm luật. Các lỗ hổng này cần được xem xét điều chỉnh để tạo sự công bằng cho mọi đối tượng trong xã hội.