Thiếu máu do suy thận mạn dễ tử vong vì đột quỵ

ANTĐ - Thiếu máu là một triệu chứng và là một biến chứng phổ biến ở người bị bệnh thận, nhất là ở những người bị suy thận mạn (STM) giai đoạn cuối. Thiếu máu có thể làm gia tăng khả năng bị các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ, tăng nguy cơ suy thận mạn tiến triển đến giai đoạn cuối... Vì thế, việc điều trị thiếu máu cần được tiến hành sớm.

Thận càng suy càng thiếu máu

PGS.TS.BS Hà Phan Hải An, Phó Chủ tịch Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam cho biết, theo thống kê, tỷ lệ STM (giai đoạn 3 - 5 của bệnh thận mạn tính) là 3,1%. Chỉ tính riêng tỷ lệ STM giai đoạn cuối có nhu cầu điều trị thay thế thận ở Việt Nam mỗi năm có thêm khoảng gần 1 vạn người và trên thực tế, con số này có thể cao hơn nếu tính đến những trường hợp xét nghiệm nước tiểu bình thường nhưng chức năng thận đã suy giảm. Điều này đồng nghĩa với việc thiếu máu do suy thận mạn là một vấn đề sức khoẻ lớn.

Lọc máu cho bệnh nhân suy gan thận

TS Nguyễn Tất Thắng, Trung tâm Lọc máu, bệnh viện Hòe Nhai phân tích, càng gia tăng bệnh nhân STM thì càng có nhiều bệnh nhân thiếu máu. Bởi thiếu máu là biểu hiện thường xuyên của STM và không hồi phục. Thận càng suy thiếu máu càng nặng và điều đáng nói là hầu hết bệnh nhân STM đều không biết mình đang bị thiếu máu ở các mức độ khác nhau, đó là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.

Thiếu máu ở bệnh nhân STM có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: mất máu qua lọc máu (chỉ cần lọc máu chừng đôi ba lần là chức năng tiểu cầu đã giảm, do đó khả năng chống mất máu kém hẳn và càng lọc máu càng thiếu máu), thiếu sắt, axit folic trong chu trình chuyển hóa lọc máu, hai chất này bị hao hụt (đây là hai chất dinh dưỡng tham gia tổng hợp hồng cầu)… và đặc biệt là do sự thiếu hụt các chất kích thích sản sinh hồng cầu – erythropoetin. Chất có khả năng kích thích mạnh mẽ tủy xương sinh tổng hợp hồng cầu. Ở người khỏe mạnh 90% erythropoetin được sinh ra từ thận. Khi bị thiếu máu, bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao, niêm mạc có màu hồng nhợt nhạt, tim đập nhanh, sức chịu đựng kém và khả năng tập trung suy giảm… Nếu có bệnh lý cơ quan nào khác đi kèm thì các triệu chứng của bệnh lý đó sẽ biểu hiện nặng thêm, ví dụ: thiếu máu có suy tim thì suy tim trở nặng hơn, dễ thiếu máu não…

Điều trị thiếu máu sớm - tránh biến chứng nguy hiểm

Theo TS An, việc điều trị thiếu máu cho những bệnh nhân này, đặc biệt ở giai đoạn sớm là một trong những vấn đề cần được quan tâm và là mục tiêu hàng đầu của các thầy thuốc để cải thiện chất lượng sống, tránh các biến chứng và tử vong cho người bệnh. Bởi STM tiến triển qua nhiều giai đoạn trong một thời gian dài, vì vậy nó ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Suy thận là hậu quả của nhiều biến chứng như: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh cầu thận và ống kẽ thận, bệnh hệ thống… Đặc biệt, thiếu máu do suy thận mạn tính có thể làm gia tăng khả năng bị các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ, tăng nguy cơ suy thận mạn tiến triển đến giai đoạn cuối... Vì thế, việc điều trị thiếu máu cần được tiến hành sớm.

TS Thắng cho biết, trước kia, giải pháp duy nhất để điều trị thiếu máu do STM là truyền máu. Lượng hồng cầu thiếu hụt được truyền vào cơ thể, nhờ đó nâng cao khả năng vận chuyển oxy đến các cơ quan và giảm được các triệu chứng do thiếu máu. Tuy nhiên, hiện nay việc truyền máu lâu dài không được khuyến khích vì có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho bệnh nhân như: dị ứng, phản ứng tan máu, quá tải chất sắt, kích thích tạo kháng thể ảnh hưởng xấu đến ghép thận sau này...

Do đó, khi điều trị bệnh ngoài chế độ dinh dưỡng thích hợp, bổ sung đủ sắt, vitamin B12, axit folic và sử dụng các thuốc kích thích sinh hồng cầu còn gọi là các dẫn xuất của erythropoetin như các chế phẩm: epoetin alpha, epoietin beta, alpha darbepoetin, peginesatid…, đặc biệt là Epoetin Beta 4000 UI. Việc lựa chọn thuốc phù hợp cho mỗi bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều yếu tố như tính hiệu quả, độ an toàn… Điều trị thiếu máu sớm không chỉ giảm tình trạng tiến triển suy thận, giảm phì đại thất trái, giảm các biến chứng của STM, thiếu máu, giảm tử vong mà còn  nâng cao nhận thức, sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống… cho bệnh nhân.