Thiếu liêm chính khi soạn thảo, thẩm tra sẽ tạo ra dự án luật nhiều “khuyết tật”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận về hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV sáng 26-3, Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho rằng, nếu thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những dự án luật nhiều “khuyết tật”.

Đặt vấn đề câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật, Đại biểu Nguyễn Mai Bộ khẳng định, liêm chính trong ứng xử xã hội là việc tự tạo áp lực cho chính mình trong thực hiện các hành vi xã hội.

Đây cũng là một trong những nguyên tắc để con người trở thành một công dân tốt cho đất nước, xã hội. Liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là nguyên tắc tối cần thiết vì pháp luật điều chỉnh, thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh, và ngày càng tốt đẹp hơn.

“Pháp luật không phải công cụ để thể hiện lợi ích một bộ phận nhỏ trong xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan tổ chức được giao soạn thảo luật. Pháp luật là công cụ điều chỉnh xã hội nên rất cần sự liêm chính trong xây dựng pháp luật” – Đại biểu Mai Bộ nhấn mạnh.

Nếu có liêm chính sẽ xây dựng được những văn bản khách quan, toàn diện, có ý nghĩa rất tốt trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Các văn bản pháp luật đó sẽ không hoặc rất ít chồng chéo với các văn bản pháp luật mà các kỳ Quốc hội trước đã kỳ công ban hành. Đồng thời, không quy định thô thiển lợi ích của một số bộ, ngành đặc biệt là những bộ ngành được giao soạn thảo dự án luật.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Vị đại biểu này cũng cho rằng, nếu thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những dự án luật “nhiều khuyết tật”. Khuyết tật thứ nhất đó là chồng chéo với các dự án luật mà các kỳ họp của Quốc hội khóa trước đã dày công để nghiên cứu, ban hành.

Khuyết tật thứ hai là dự luật đó sẽ trở thành công cụ của cơ quan soạn thảo hoặc hiện thực hóa lợi ích của bộ ngành mình hoặc xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để chiếm quyền của bộ ngành đó. Khuyết tật thứ ba là vòng đời dự án luật rất ngắn, kéo theo Quốc hội và Chính phủ phải mất thời gian, kinh phí để xây dựng các dự án luật thay thế.

“Tôi khẳng định rằng trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV không có việc tham nhũng chính sách. Nếu lặp đi lặp lại tất cả các quy định và đặt chúng trong mối quan hệ việc tổ chức thực hiện thì có thể thấy có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách” – Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Làm rõ nội dung này, Đại biểu Lưu Mai lý giải, có thể hiểu tham nhũng chính sách là việc cố tình đưa vào các đạo luật những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống.

Ngoài ra các quy định liên quan đến ưu đãi thực hiện nghĩa vụ tài chính, về quy trình thủ tục, về phân cấp phân quyền trong quyết định các dự án cũng là mảnh đất có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách.

Từ phân tích nêu trên, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, tới đây chúng ta có thể quan tâm đến một số vấn đề: Cần đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật; Đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách;

Bên cạnh đó cần nâng cao hoạt động thẩm tra, hoạt động thẩm tra cần trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện; cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào quy định của pháp luật, những quy định để trục lợi cá nhân...