Dồn điền đổi thửa ở Cao Viên (huyện Thanh Oai, Hà Nội):

Thiếu kinh phí nên tạm bợ?

ANTĐ - Ruộng sau khi “đổi thửa nhỏ thành thửa to” bỗng trở thành ao, đầm sâu hút; những chiếc cống để xây dựng đường giao thông nội đồng lại không có cốt thép, chưa lắp đã vỡ vụn… Người dân thôn Đàn Viên, Cao Viên, Thanh Oai đang ngỡ ngàng bởi một chủ trương lớn phục vụ xây dựng nông thôn mới lại được làm quá tạm bợ!

Người dân bức xúc vì ruộng bỗng hóa thành ao đầm

Ruộng bỗng hóa thành ao

Để thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, xã Cao Viên đã thành lập 6 tiểu ban (mỗi thôn một tiểu ban) với không khí khẩn trương chuẩn bị, đưa vào gieo trồng vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, không hiểu vì quá nóng vội hay có khuất tất trong công tác dồn điền đổi thửa đã làm nảy sinh sự bất bình trong nhân dân. Đã nhiều ngày qua, việc dồn điền đổi thửa trên địa bàn thôn Đàn Viên, xã Cao Viên đã phải dừng lại vì người dân phản đối cách làm không đúng chủ trương.

Ông Nguyễn Xuân Măng, thôn Đàn Viên, xã Cao Viên cho hay, việc dồn điền đổi thửa trên địa bàn thôn được tiến hành từ 10-10-2013 với diện tích gần 20ha. Ngay khi bắt đầu công việc, Tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Đàn Viên cũng như nhân dân thôn Đàn Viên đã thống nhất bầu ra Tổ giám sát nhân dân để cùng chính quyền giám sát việc dồn điền đổi thửa sao cho hài hòa, hiệu quả.  

Vào tháng 9-2013, Tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Đàn Viên đã lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đào đắp giao thông thủy lợi để báo cáo UBND xã Cao Viên. Tổng diện tích đất dồn điền đổi thửa gần 20ha, kinh phí thực hiện hơn 770 triệu đồng, trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 50%, huyện 20%, 30% còn lại do ngân sách xã và nhân dân đóng góp.  “Trong quá trình giám sát thi công, chúng tôi phát hiện nhiều điểm bất hợp lý so với bản báo cáo kỹ thuật mà UBND xã đưa xuống. Chính vì vậy, chúng tôi yêu cầu dừng thi công. Không thể để một chủ trương lớn mà lại làm ăn cẩu thả, thiếu trách nhiệm, bớt xén nguyên vật liệu như vậy”, ông Nguyễn Xuân Măng, Tổ trưởng tổ giám sát nhân dân thôn Đàn Viên bức xúc.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên những cánh đồng đã thực hiện dồn điền đổi thửa của xã Cao Viên, nhiều nơi ruộng cấy lúa bỗng trở thành ao, đầm, khó có thể gieo trồng nếu không được bổ sung thêm đất. “Theo quy định, sau khi lấy đất đắp bờ, đơn vị thi công phải san gạt, trả lại mặt ruộng bằng phẳng, nếu thiếu đất phải chở từ nơi cao xuống nơi thấp, nhưng họ không làm như vậy. Những thửa ruộng của chúng tôi nay trở thành ao, làm sao có thể cấy lúa được”, ông Vũ Văn Yên, thành viên tổ giám sát nhân dân thôn Đàn Viên cho hay.

Không chỉ vậy, khi đơn vị thi công chở cống về lắp đặt, người dân phát hiện, cống được làm toàn bằng xi măng và bê tông đơn thuần mà không có cốt thép. “Khi đơn vị thi công vận chuyển cống về, chỉ mới hạ từ trên ô tô xuống dưới đất nhưng đã bị vỡ tan”, ông Nguyễn Hữu Lan - Thư ký Tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Đàn Viên phản ánh. Tìm hiểu về kết cấu của cống, một kỹ sư chuyên ngành cầu đường, xây dựng cho hay, về nguyên tắc, đã là cống thì phải có cốt thép, một cái cọc tiêu đường cũng phải có cốt thép, không thể chỉ đổ bằng bê tông. Thậm chí, tùy theo độ chịu lực mà phải làm đến 2 lần cốt thép.

Cống thiếu cốt thép vì không có văn bản hướng dẫn?

Trao đổi về những sự việc trên, ông Nguyễn Đăng Phượng, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban dồn điền đổi thửa xã Cao Viên thừa nhận, việc dồn điền đổi thửa trên địa bàn xã vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ. “Theo thủ tục, mỗi thôn sẽ lên phương án kỹ thuật rồi trình UBND xã phê duyệt. UBND xã trình UBND huyện xem xét, phê duyệt, sau đó mới tiến hành. Song, để làm như vậy thì sẽ không kịp tiến độ, nên xã vừa chủ trương làm vừa hoàn thiện hồ sơ”. Như vậy, 6 hợp đồng kinh tế, mỗi hợp đồng trị giá hơn 700 triệu đồng của 6 thôn trên địa bàn xã Cao Viên là chưa được ký kết, đơn vị thi công sẽ dựa vào đâu để thực hiện? Ông Nguyễn  Đăng Phượng bày tỏ, dựa theo hồ sơ thiết kế ban đầu và nghiệm thu theo khối lượng thực tế. 

Tuy nhiên, khi đề cập đến việc đơn vị thi công không đảm bảo hoàn trả mặt ruộng như ban đầu, biến ruộng sau dồn điền đổi thửa thành ao, Bí thư Đảng ủy xã Cao Viên khẳng định, có sự việc này, song do kinh phí san gạt quá lớn nên huyện không duyệt. “Chúng tôi cũng đã báo cáo, nhưng UBND huyện vẫn chưa phê duyệt kinh phí san gạt, chúng tôi cũng chưa biết lấy từ đâu”. Về chất lượng cống để lắp đặt không có cốt thép, ông Nguyễn Đăng Phượng cho hay, do chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc chất lượng cống ra sao, cống phải có cốt thép nên UBND xã cũng không nắm được! 

UBND xã thì khẳng định, mọi trách nhiệm do các Tiểu ban dồn điền đổi thửa ở mỗi thôn quyết định. Đào đắp bờ ra sao, xây dựng đường giao thông nội đồng như thế nào, chất lượng cống ra sao đều do các Tiểu ban  bàn bạc với doanh nghiệp và người dân, sau khi thống nhất phương án mới triển khai. Song, bà Nguyễn Thị Dung, trưởng thôn Đàn Viên, Phó tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Đàn Viên từ chối: “Tôi không có trách nhiệm về vấn đề này. Trên chỉ đạo thế nào, tôi thực hiện như vậy”. Còn bà Nguyễn Thị  Sáu, Bí thư chi bộ, Trưởng tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Đàn Viên thì từ chối làm việc, cung cấp thông tin!