Thiếu kali - những dấu hiệu không thể bỏ qua

ANTD.VN - Theo các chuyên gia dinh dưỡng, kali rất quan trọng với sức mạnh cơ bắp, chức năng thần kinh và hệ thống tim mạch khỏe mạnh. Dưỡng chất này có nhiều trong các thực phẩm như bơ, chuối, sôcôla, các loại hạt, khoai tây, măng, đu đủ, trái cây, rau, thịt và cá… 

Nhưng ngay cả khi bạn bổ sung đủ 4.700mg kali mỗi ngày theo khuyến cáo, bạn vẫn có thể thiếu dưỡng chất quan trọng này. Nguyên nhân bởi bạn càng ăn nhiều natri thì càng nhiều kali thải ra ngoài cơ thể. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây thì rất có thể đang thiếu kali.

Mệt mỏi thường xuyên

Mỗi tế bào trong cơ thể cần đủ lượng kali để hoạt động, và khi thiếu dưỡng chất này sẽ dẫn đến cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, nếu bạn thường xuyên kiệt sức khi tập luyện mặc dù bạn ngủ đủ giấc thì rất có thể cơ thể bạn thiếu kali.

Huyết áp cao

Kali giúp thư giãn các mạch máu. Nếu thiếu kali, các mạch máu có thể bị co thắt, gây ra huyết áp tăng cao. 

Ăn nhiều thực phẩm đóng hộp

Nếu bạn thường xuyên ăn thực phẩm chế biến thì chắc chắn cơ thể có kali thấp vì thực phẩm chế biến sẵn thường có lượng natri cao. Vì vậy giảm natri trong chế độ ăn uống sẽ giúp cơ thể bạn giữ được nhiều kali. 

Ăn ít trái cây và rau xanh

Trái cây và rau xanh là những nguồn dinh dưỡng cung cấp nhiều kali nhất cho cơ thể. Nếu ăn quá nhiều thịt, các loại tinh bột tinh chế sẽ không cung cấp đủ kali cho cơ thể. Kali là thành phần vô cùng quan trọng cấu thành nên một chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Những người ít ăn những thực phẩm tươi nhất thường có nồng độ kali trong cơ thể thấp nhất.

Yếu và đau cơ bắp

Kali đóng một vai trò trong sự co cơ trơn, vì thế khi mức thấp, bạn có thể cảm thấy đau, thậm chí co thắt.

Chóng mặt

Giảm lượng kali lớn có thể làm chậm nhịp tim. Điều này không phổ biến, và nhiều yếu tố khác có thể là nguyên nhân, nhưng nếu bạn gặp triệu chứng này, hãy khám bác sĩ ngay.

Táo bón

Táo bón mạn tính có thể là biểu hiện của hàm lượng kali thấp vì kali giúp cho việc tiêu hóa dễ dàng hơn nên thiếu khoáng chất này dễ gây táo bón. Mức kali thấp làm chậm các chức năng cơ thể khác. Đầy hơi, chướng bụng cũng có thể xảy ra. Tất nhiên, sự thiếu hụt kali không phải là nguyên nhân duy nhất gây triệu chứng này. 

Tim đập nhanh

Nghiên cứu chỉ ra rằng hàm lượng kali thấp trong cơ thể có thể ảnh hưởng tới các nhịp co bóp đều đặn của cơ tim, dẫn đến tim đập nhanh. Trường hợp nồng độ kali của cơ thể hạ quá thấp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bạn cảm thấy như tim mình đập thình thịch, rung mạnh hoặc như sắp nhảy ra khỏi lồng ngực, bạn có thể đang bị mắc chứng loạn nhịp tim. 

Thường xuyên bị chuột rút

Những vận động viên luyện tập với cường độ cao và ra mồ hôi nhiều thường dễ bị chuột rút. Nguyên nhân là do thành phần điện giải, bao gồm kali, thường bị thiếu do tiết quá nhiều mồ hôi. Cách xử trí phù hợp nhất đó là tăng cường bổ sung các loại đồ uống thể thao có cung cấp các chất điện giải. 

Ngứa ran và tê tay chân

Nếu bạn thấy bị ngứa đầu ngón tay, ngón chân, cánh tay, chân, thiếu kẽm có thể là nguyên nhân vì kẽm rất cần cho các dây thần kinh và quá trình lưu thông máu hoạt động thích hợp. Kali giúp giữ cho dây thần kinh khỏe mạnh, và nếu không có nó, bạn có thể gặp phải những cảm giác khó chịu và cảm giác tê cứng chân tay.