Cuộc đua miễn, giảm phí của các ngân hàng:

"Thiếu gia" tất bật, "ông lớn" thờ ơ

ANTD.VN - Trong khi các ngân hàng cổ phần tư nhân tầm trung bước vào cuộc đua giảm phí, miễn phí khốc liệt để dành thị phần thì các ngân hàng lớn, nhất là các ngân hàng có vốn Nhà nước vẫn “bình chân như vại”.

Nhiều ngân hàng miễn phí đối với các giao dịch thẻ và giao dịch ngân hàng điện tử để gia tăng thị phần

Nơi miễn phí, chỗ thu cao

Theo khảo sát của phóng viên, hiện có sự khác biệt đáng kể trong việc thu phí đối với thẻ ngân hàng và dịch vụ ngân hàng điện tử giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng tầm trung, nhỏ. Trong đó, đối với dịch vụ thẻ, các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank hay MBBank, Techcombank vẫn thu phí rút tiền tại ATM với mức phổ biến 1.000 đồng/giao dịch (riêng Techombank là 2.000 đồng/giao dịch) tại cây ATM cùng hệ thống, 3.000 đồng/giao dịch tại cây ATM khác hệ thống.

Ngược lại, các ngân hàng như VIB, TPBank, VPBank, LienVietPostBank, Viet CapitalBank, Baovietbank… lại miễn phí rút tiền mặt tại ATM cùng hệ thống. Đối với rút tiền ngoài hệ thống, VIB đang có chính sách tốt nhất khi miễn phí cho mọi giao dịch, trong khi VPBank chỉ miễn phí khi số dư trong tài khoản của khách hàng còn từ 2 triệu đồng trở lên.

Với dịch vụ ngân hàng điện tử, tình trạng cũng tương tự. Một số ngân hàng như VIB, Techcombank, TPBank, ACB, VPBank đang có ưu đãi lớn khi miễn phí hầu hết các giao dịch chuyển khoản trong hệ thống, một số ngân hàng miễn phí cả các giao dịch ngoài hệ thống. Trong khi đó, Vietcombank áp dụng mức phí 2.200 - 5.500 đồng đối với một giao dịch chuyển khoản cùng hệ thống (tùy số tiền chuyển); 7.700 đồng/giao dịch với chuyển khoản ngoài hệ thống (với khoản tiền dưới 10 triệu đồng) cho đến 0,02% số tiền chuyển khoản (với khoản tiền từ 10 triệu đồng trở lên, tối thiểu 10.000 đồng, tối đa 1 triệu đồng/giao dịch). 

Còn Vietinbank, trong khi miễn phí chuyển khoản trong hệ thống thì lại thu mức phí tới 9.000 đồng với một giao dịch chuyển khoản ngoài hệ thống (trên 50 triệu đồng là 0,01% số tiền chuyển khoản). BIDV miễn phí chuyển khoản cùng hệ thống với những món tiền dưới 10 triệu đồng. Trên 10 triệu đồng, ngân hàng này áp dụng mức phí 1.000 - 9.000 đồng/giao dịch, tùy số tiền chuyển. Đối với chuyển khoản ngoài hệ thống, mức phí áp dụng tại ngân hàng này đang là 7.000 đồng/giao dịch dưới 10 triệu đồng và 0,02% số tiền chuyển với giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên (tối đa 50.000 đồng). 

Agribank áp dụng mức phí 2.000 - 7.000 đồng cho các giao dịch chuyển khoản cùng hệ thống; 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu 8.000 đồng với giao dịch ngoài hệ thống. MBBank hiện là một trong những ngân hàng áp dụng mức phí dịch vụ ngân hàng điện tử cao nhất, với mức thu tới 3.000 - 5.000 đồng/giao dịch trong cùng hệ thống và tới 10.000 đồng/giao dịch ngoài hệ thống.

Ngân hàng lớn “bình chân như vại”

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 12-2018 cả nước đã có 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động. Cũng tính đến cuối năm 2018, số lượng thẻ đang lưu hành đạt trên 86 triệu thẻ, tăng trưởng 12% so với năm 2017. Trong đó, thẻ quốc tế tăng trưởng cao hơn so với thẻ nội địa, ở mức 17% so với 11%. Những con số này cho thấy việc sử dụng các dịch vụ liên quan đến thẻ ngân hàng, ngân hàng điện tử đang gia tăng mạnh mẽ.

Điều này đồng nghĩa doanh thu từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng cũng ngày càng lớn. Vì vậy, việc các ngân hàng tầm trung, ngân hàng nhỏ tung ra nhiều ưu đãi với dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử được cho là bước đi quan trọng để gia tăng thị phần trong cuộc đua thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ. Điều này đặc biệt trở nên quan trọng khi chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và nhu cầu thực tế của các ngân hàng là cần phải thoát khỏi tình trạng “độc canh tín dụng”, tăng thu từ dịch vụ thay vì thu lãi từ hoạt động tín dụng.

Tuy nhiên, các ngân hàng lớn dường như vẫn không bận tâm. Thậm chí, năm ngoái, nhóm các ngân hàng lớn còn nhiều lần “rập rình” tăng phí một số dịch vụ, khiến Ngân hàng Nhà nước phải “tuýt còi”. Giải thích cho việc tăng phí, đặc biệt là phí rút tiền của các ngân hàng lớn, đại diện Hiệp hội Thẻ ngân hàng cho rằng, việc này là để bù đắp chi phí duy trì hệ thống ATM. Theo đó, chi phí để duy trì hệ thống ATM, đáp ứng nhu cầu chi trả tiền mặt là rất lớn. Nếu tính đầy đủ chi phí, mỗi giao dịch rút tiền, ngân hàng phải tính phí 7.000 - 10.000 đồng/giao dịch. 

Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao các ngân hàng lớn đều than khó và không giảm phí thì các ngân hàng nhỏ hơn lại giảm, thậm chí còn miễn phí các giao dịch thẻ và ngân hàng điện tử mà vẫn “sống khỏe”? Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, việc miễn phí hay không tùy thuộc vào chủ trương cạnh tranh của từng ngân hàng. Những ngân hàng lớn không bị áp lực cạnh tranh nhiều vì uy tín, mạng lưới của họ rất lớn, lượng khách hàng khổng lồ. Trong khi các ngân hàng nhỏ lại đang vất vả trong việc tạo thương hiệu, duy trì hoặc tăng cường thương hiệu, tăng lượng khách hàng. Việc miễn, giảm phí chính là cách để tạo lợi thế cạnh tranh. 

Cũng theo vị chuyên gia, việc miễn, giảm phí ngân hàng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các ngân hàng. Tuy nhiên, nó sẽ được bù lại bằng việc gia tăng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ. Với các ngân hàng, thị phần là rất quan trọng, bởi nó gia tăng nguồn thu nhập, gia tăng lãi từ tín dụng…

Vì vậy, trong giai đoạn nào đó, các ngân hàng sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để củng cố thị phần. Mỗi ngân hàng sẽ có cách bù trừ cho việc giảm thu nhập tác động bởi việc giảm phí khác nhau. “Cuộc đua này chắc chắn sẽ có tác động đến toàn hệ thống. Thời điểm hiện tại, dường như các ngân hàng lớn chưa nhận thấy tác động của cuộc cạnh tranh. Nhưng nếu lượng khách hàng sử dụng dịch vụ bị mất đi nhiều, chắc chắn họ không thể ngồi yên” - Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận định.