Thiếu đủ thứ, doanh nghiệp bán lẻ nội cần "thuốc tăng lực"

ANTĐ - Đưa ra hàng loạt điểm yếu của bán lẻ nội, bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho rằng, với cả 3 yếu tố để doanh nghiệp Việt Nam thành công là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, doanh nghiệp Việt Nam còn đang rất thiếu.

Thiếu đủ thứ, doanh nghiệp bán lẻ nội cần "thuốc tăng lực" ảnh 1

Thời cơ chưa chín muồi, G7 Mart nhanh chóng rút khỏi thị trường

Từ sự biến mất của G7 Mart

Năm 2006, Trung Nguyên khai trương hệ thống cửa hàng bán lẻ G7 Mart với 500 cửa hàng. Doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ nâng con số này lên tới 9.500 cửa hàng trên toàn quốc. G7 Mart đặt ra mục tiêu là hỗ trợ chiến lược phát triển thương hiệu Việt và trở thành hệ thống phân phối nội địa làm đối trọng với các tập đoàn phân phối nước ngoài. Tuy nhiên, trái ngược hẳn với những kỳ vọng ban đầu thì hệ thống G7 Mart đã vấp phải nhiều khó khăn rồi “lặng lẽ biến mất” trên thị trường.

Lý giải cho sự “biến mất” này, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng: “Thời điểm đó, bán lẻ hiện đại với mô hình cửa hàng tiện lợi vừa xâm nhập vào Việt Nam, thị trường chưa chín muồi cho mô hình bán lẻ này, cộng thêm nhiều khó khăn khác khiến doanh nghiệp thất bại”.

Tuy nhiên, G7 Mart không phải là trường hợp doanh nghiệp bán lẻ duy nhất của Việt Nam nhanh chóng rút khỏi thị trường. Bước sang năm 2007, 4 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Saigon Co.op, Phú Thái, Hapro và Satra đã hợp tác với nhau để cho ra đời thương hiệu bán lẻ mạnh, song cú bắt tay này cũng không mang lại kết quả như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp bán lẻ nội địa thất bại là do vướng về thủ tục hành chính, đặc biệt là bài toán mặt bằng cho nhà bán lẻ. Trong khi đó, từ năm 2009 trở lại đây, bán lẻ ngoại lại “phất lên” trông thấy tại thị trường Việt Nam.

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Nhân- Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) cho rằng, nhà bán lẻ ngoại mạnh hơn nhà bán lẻ Việt bởi 3 điểm: Tiềm lực tài chính, huy động vốn với lãi suất thấp; Kinh nghiệm quản lý nhờ lịch sử hình thành lâu đời và đã có sự nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng và sức mạnh trong liên kết. Doanh nghiệp ngoại có sự liên kết toàn cầu từ chuỗi cung ứng sản phẩm đến việc chuỗi tiêu thụ hàng hóa. “Trong kinh doanh, nếu lợi nhuận chỉ chiếm một vài phần trăm đã là không dễ đạt được. Chỉ cần vay được vốn tốt cũng đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rồi”- ông Nguyễn Thành Nhân nói.

Tăng lực cho bán lẻ nội

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, con số thống kê mới nhất cho biết doanh nghiệp bán lẻ nội chiếm 47% thị phần, còn lại thuộc về doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa thể hiện được thực tế. Chủ tịch AVR cho rằng, doanh nghiệp FDI tập trung đầu tư vào bán lẻ hiện đại với có nhiều định dạng khác nhau như: siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện ích… và những chuỗi này hoạt động bề nổi, thu hút người dân song tổng hợp tất cả số doanh nghiệp này cũng không tới 53%. Thị phần doanh nghiệp Việt Nam phải cao hơn con số thống kê này.

Ông Nguyễn Thành Nhân cho hay, nhà bán lẻ nội có lợi thế am hiểu tâm lý người tiêu dùng, am hiểu thị trường, nên sẽ có cách phục vụ và cơ cấu hàng hóa phục người tiêu dùng tốt hơn. Khi Việt Nam đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), thì Việt Nam không thể đóng cửa nhưng cần có hàng rào kỹ thuật. Nhiều nước trên thế giới đã làm việc này. “Tại Ấn Độ, doanh nghiệp nước ngoài muốn vào bán lẻ phải liên doanh với doanh nghiệp nội địa, tỉ lệ sở hữu của doanh nghiệp ngoại không vượt quá 51%, trong đó tổng doanh thu bán hàng phải đảm bảo có 30% là sản phẩm của doanh nghiệp nội địa nhỏ và vừa. Còn với Malaysia, tỷ lệ liên doanh của nhà bán lẻ nước ngoài là 70% nhưng có rất nhiều ràng buộc. Đồng thời, phải cân đối cả hàng hóa ngoại và thúc đẩy tiêu thụ nội địa để tạo động lực phát triển, giữ vững được sự ổn định thị trường”.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, chính sách khuyến khích đầu tư vào bán lẻ không có sự phân biệt lớn doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại. Nhưng thực tế, mỗi địa phương có chủ trương thu hút đầu tư khác nhau nên trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp nội mất thời cơ. Vì vậy, Chủ tịch AVP cho rằng, bên cạnh sự ủng hộ về mặt chính sách, sự nỗ lực của chính doanh nghiệp Việt Nam thì các địa phương cần có phương thức để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước.