Thiếu chế tài cho giao dịch điện tử

ANTĐ - Rào cản chính trong quá trình phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam chính là người tiêu dùng thiếu lòng tin. Quyền lợi của không ít người tiêu dùng không được đảm bảo trong những giao dịch thương mại này, mặc dù đã có văn bản pháp luật điều chỉnh.

Ảnh minh họa: Phú Khánh

Quản lý chưa chặt chẽ

Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định cụ thể các chế tài đối với các hành vi vi phạm về thương mại điện tử đã có hiệu lực từ 1-1-2014. Hành vi vi phạm về thương mại điện tử sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. 

Đến nay, hơn 2 tháng kể từ Nghị định chính thức có hiệu lực, nhiều ý kiến cho rằng nội dung của Nghị định chưa bao quát hết hoạt động của thương mại điện tử. Từ điều 81 đến điều 85 của Nghị định này mới đề cập đến hoạt động thương mại điện tử qua các website. Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, thương mại điện tử không chỉ bao gồm hoạt động thương mại qua website mà còn gồm cả hoạt động mua bán, giao dịch về hàng hóa, dịch vụ qua điện thoại, qua truyền hình, sóng phát thanh... Vậy người tiêu dùng mua hàng qua các giao dịch này còn thiếu “bức tường” bảo vệ?

Mua iPhone 5S, được iPhone 3G hỏng

Thương mại điện tử là hình thức giao dịch hàng hóa có nhiều khiếu nại nhất trong thời gian gần đây. Điều đó chứng tỏ hình thức thương mại này đang phát triển mạnh và chưa thể kiểm soát mặt trái. Cuối tháng 2-2014, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) nhận được đơn khiếu nại của khách hàng Nguyễn Thị Mỹ H., số điện thoại 0902 748xxx về việc mua điện thoại iPhone 5S- 16GB Gold qua trang http://123iphone.net với giá 12,1 triệu đồng. Khách hàng này đã chuyển khoản cho bên bán (vì gian hàng đã được đăng ký bảo đảm) và nhận được iPhone 3G-8GB đã hỏng. Khách hàng này đã nhiều lần gọi điện cho bên bán đòi quyền lợi nhưng nhận được thái độ thách thức “không ai bắt được đâu”! Nạn nhân của vụ việc cho biết: “Mua bán trực tuyến tưởng nhanh gọn, hiện đại nhưng như thế này thì chưa biết bao giờ mới có lòng tin để tham gia nữa”!

Lừa đảo bán hàng trực tuyến không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà ở nhiều nước khác trên thế giới, tình trạng này cũng xuất hiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, khi có khiếu nại của người tiêu dùng, các cơ quan quản lý sẽ lập tức điều tra để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, vừa xử lý doanh nghiệp, cá nhân vi phạm. Ở Việt Nam, quy định pháp luật đã có nhưng còn lỏng lẻo, thậm chí chưa đề cập đủ các hình thức giao dịch trực tuyến hiện có thì việc củng cố lòng tin với khách hàng trong các giao dịch điện tử là rất khó. Ông Vương Ngọc Tuấn- Phụ trách văn phòng tư vấn khiếu nại, Vinastas cho rằng: “Hóa đơn là “vật chứng” duy nhất để người tiêu dùng có thể đòi quyền lợi khi bị xâm hại, nhưng trong nhiều trường hợp, người mua vẫn bị thiệt thòi. Người tiêu dùng không nên mua những món hàng hóa hàng chục triệu đồng qua mạng”.