Thiếu 76.000 giáo viên, ngành sư phạm vẫn mỏi mắt tìm sinh viên

ANTD.VN - Thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT, bước vào năm học mới, cả nước thiếu gần 76.000 giáo viên. Dù vậy, đầu vào ngành sư phạm không hề lạc quan khi các trường sư phạm địa phương đang có nguy cơ đóng cửa ngành kể cả sư phạm Toán, Văn vì “trắng” sinh viên.

Trước thềm năm học mới, các trường học đang thiếu gần 76.000 giáo viên, đặc biệt bậc mầm non thiếu nhiều nhất, hơn 34.000 giáo viên. Tuy nhiên, nghịch lý là nhiều trường sư phạm lại đang mỏi mắt chờ sinh viên.

Nhiều ngành sư phạm “trắng” sinh viên

Việc nhiều trường sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh là điều được dự báo trước, tuy nhiên, thực tế tuyển sinh 2018 của các trường sư phạm vẫn khá bi đát. Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An thừa nhận, 3 ngành sư phạm Toán học, Văn học và Sinh học của trường chưa có thí sinh nào trúng tuyển. Không chỉ năm nay, kỳ tuyển sinh năm 2017, 3 ngành này cũng chỉ có vài thí sinh, thậm chí là không có học sinh nào nộp hồ sơ đăng ký.

Nhiều trường sư phạm địa phương mỏi mắt chờ sinh viên

Hệ Cao đẳng của Đại học Đồng Nai, Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk, Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận… cũng đang trong tình trạng thấp thỏm chờ sinh viên. Nếu không tuyển sinh được, các trường sư phạm ở địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động giảng dạy.

Trong khi trước đó, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, tỉnh Thanh Hóa đã đặt hàng ĐH Hồng Đức mở 4 ngành đào tạo chất lượng cao, gồm sư phạm Toán, Vật lý, Lịch sử và Ngữ văn. Mỗi ngành đào tạo 20 sinh viên. Yêu cầu đặt ra cho hệ chất lượng cao là các thí sinh phải đạt từ 24 điểm trở lên; bù lại, Thanh Hóa sẽ bảo đảm phân công nơi làm việc cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, ngay cả khi Thanh Hóa đã có cam kết bảo đảm đầu ra cho sinh viên sư phạm chất lượng cao thì việc tuyển sinh cũng không hề dễ dàng. Thực tế, nhiều ngành sư phạm chất lượng cao của trường chỉ tuyển được vài sinh viên. Đặc biệt, ngành Toán chỉ tuyển được 1 sinh viên, ngành Vật lý chưa tuyển được sinh viên nào.

Nguyên nhân không phải đầu vào mà là đầu ra

Năm 2018 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT xác định mức điểm sàn riêng cho ngành sư phạm, trong đó, mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào ĐH sư phạm đối với thí sinh thi THPT quốc gia là 17 điểm, mức điểm tối thiểu xét tuyển vào CĐ sư phạm là 15 điểm và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào trung cấp sư phạm là 13 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi.

Tuy nhiên, đây không được coi là rào cản đối với việc xét tuyển sinh viên sư phạm bởi ngưỡng đầu vào tối thiểu này không quá cao.

Thực tế lý do sinh viên không mặn mà với ngành sư phạm đều xuất phát từ nguyên nhân chính là đầu ra khó tìm việc làm. Mặc dù Bộ GD-ĐT đưa ra thống kê thiếu gần 76.000 giáo viên nhưng kèm theo đó là tình trạng thừa cục bộ nhiều ở địa phương.

Với giáo viên bậc THCS, Bộ đưa ra khuyến cáo cần tạm dừng tuyển mới trong vòng 3 năm ở một số địa phương. So với số giáo viên THCS đang thừa là 9.246 (tính đến thời điểm tháng 11.2017) thì các địa phương cần tính toán cụ thể số lượng giáo viên cần tuyển mới, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên cho những môn học còn thiếu.

Ở cấp THPT, số được tuyển mới bổ sung thay thế giáo viên nghỉ hưu hằng năm sẽ khoảng 1.507, cộng với số giáo viên cần tuyển mới do tăng quy mô học sinh là 2.250. Trên cơ sở số giáo viên thừa khoảng 8.874 khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương cần tính toán nhu cầu tuyển mới giáo viên THPT từ nay đến năm 2025.

Nguyên nhân thừa thiếu cục bộ giáo viên ở nhiều tỉnh thành, theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, là do công tác quy hoạch, dự báo ở các địa phương hạn chế, thiếu chủ động trong xử lý tình trạng thừa thiếu giáo viên.