Thiệt thòi “kép”

ANTĐ - Người khuyết tật hiện chiếm 1/7 số dân thế giới song họ không chỉ thiệt thòi về mặt sức khỏe, cuộc sống của bản thân mà còn không được hưởng các quyền cơ bản của con người.

Một người khuyết tật tham dự Hội nghị quốc tế về quyền của người khuyết tật do LHQ tổ chức

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21-9 công bố bản báo cáo giới thiệu bức tranh toàn cảnh về cộng đồng người khuyết tật trên thế giới, trong đó kêu gọi các thành viên LHQ nâng cao trách nhiệm đối với những người kém may mắn này, giúp họ hòa nhập cuộc sống và thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản của con người. Bản báo cáo nhằm chuẩn bị cho Đại hội đồng LHQ khóa 68 tổ chức Hội nghị cấp cao về người khuyết tật vào hôm nay 23-9.

Theo WHO, hiện trên thế giới có hơn 1 tỷ người khuyết tật, chiếm 1/7 dân số toàn cầu song rất nhiều trong số đó không được chăm sóc y tế thường xuyên cũng như không được tiếp cận với các dịch vụ công cộng khác. Ngoài ra, không ít người khuyết tật bị phân biệt đối xử, bị tước đi những quyền cơ bản của con người, trong đó có 2 quyền quan trọng nhất là học hành và làm việc.

Một nghiên cứu chung và đánh giá tổng quan về hiện trạng người tàn tật trên thế giới do WHO và Ngân hàng thế giới (WB) tiến hành cũng cho thấy khoảng 20% trong tổng số người khuyết tật trên thế giới phải chịu những khó khăn nghiêm trọng trong cuộc sống hàng ngày. Rất ít nước trên thế giới có các cơ chế thích hợp để hỗ trợ của người khuyết tật. 

Người khuyết tật bị phân biệt đối xử, thiếu sự chăm sóc y tế và các dịch vụ phục hồi chức năng, khó tiếp cận các phương tiện vận tải, nhà ở, công nghệ thông tin và truyền thông. Người khuyết tật khó khăn gấp 2 lần người bình thường trong việc tìm được nhân viên y tế có thể đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, có nguy cơ bị phủ nhận các nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cao gấp 3 lần người bình thường. 

Ở các nước thu nhập thấp, chi phí y tế người khuyết tật phải trả cao hơn 50% so với người bình thường. Tại các nước phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), tỷ lệ người khuyết tật có việc làm chỉ đạt 44% so với tỷ lệ 75% của người bình thường. Vì vậy, người khuyết tật thường có trình độ giáo dục thấp, sức khoẻ yếu, ít có các cơ hội kinh tế và tỷ lệ nghèo khổ rất cao.

Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về quyền con người Ivan Simonovic cho biết, có tới 80% số người tàn tật trên thế giới đang ở độ tuổi lao động, và rất nhiều người trong số họ bị tước bỏ quyền được làm việc và quyền được học hỏi những kỹ năng lao động, và đây chính là một trong những lý do khiến người tàn tật gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống vật chất, tinh thần, và hòa nhập cộng đồng. Trong khi đó, không ít người khuyết tật, trong đó có Giáo sư vật lý nổi tiếng người Anh Stephen Hawking - một người tàn tật nhưng đã phấn đấu trở thành nhà khoa học hàng đầu, đã có những đóng góp hiệu quả cho sự phát triển trên thế giới.

Giáo sư Hawking kêu gọi cộng đồng thế giới thực hiện nghĩa vụ phá bỏ mọi trở ngại đối với sự tham gia của người tàn tật vào đời sống xã hội, đầu tư cả về tài chính và kỹ năng để người tàn tật phát huy tài năng. Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan hi vọng Hội nghị ngày 

23-9 thông qua các biện pháp hữu hiệu để cải thiện vị thế của cộng đồng người khuyết tật, giúp họ hòa nhập xã hội, nâng cao cuộc sống và được thực hiện đầy đủ những quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền được khám chữa bệnh, quyền được học hành và làm việc...