Thiết kế bậc tam cấp mà không lấn chiếm vỉa hè: Gọn phố phường, lại tránh được mưa

ANTD.VN - Kiến trúc sư Phi Mạnh Huy cho rằng, mô hình thiết kế nhà có bậc tam cấp thụt vào trong ở nước ngoài được chia sẻ nhiều trên mạng hoàn toàn có thể ứng dụng ở nước ta.

Thiết kế bậc tam cấp mà không lấn chiếm vỉa hè: Gọn phố phường, lại tránh được mưa ảnh 1Thiết kế bậc tam cấp thụt vào trong ở nước ngoài

- Ông nhìn nhận thế nào về việc một số quận nội thành phá dỡ bậc tam cấp lấn vỉa hè của các hộ dân?

- Kiến trúc sư Phi Mạnh Huy: Ở khu phố tôi sống, có anh chủ nhà ngay từ đầu tuần đã loay hoay búa đục. Đầu tiên cứ nghĩ là anh sửa chữa, mở rộng mặt tiền làm cửa hàng, nhưng hoá ra anh phá một bậc tam cấp lấn diện tích vỉa hè. Anh chia sẻ: “Chủ trương giành lại vỉa hè là đúng, nên làm. Tốt nhất mình tự làm cho gọn gàng, không để người ta phải cưỡng chế”. Theo tôi, đó là quan điểm đúng. Phố phải có vỉa hè, không có vỉa hè thì không ra phố. Vỉa hè là hành lang giao thông bộ hành, là không gian giao tiếp, thư giãn… của cộng đồng nên nó phải thuộc về cộng đồng.

Thực tế cũng có một vài người viện đủ lý do để chống lại việc xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Báo đài đưa tin cả tháng nay, chính quyền cũng gửi thư ngỏ, thông báo rồi mà họ còn bảo sao không báo trước? Đó chỉ là lý sự cùn với tâm lý níu kéo thôi… Họ kêu đi vào nhà khó khăn, thế bao nhiêu năm người đi bộ phải đi xuống lòng đường thì có công bằng không?

- Có ý kiến cho rằng những nơi vỉa hè rộng thì không cần thiết phá bậc tam cấp mà người dân làm nhô ra ngoài, ông đánh giá thế nào?  

- Ở nước ngoài, vỉa hè được quản lý rất chặt chẽ và nghiêm túc. Ở những nơi vỉa hè rộng, cũng có người bán hàng rong, nhạc công đường phố, xe bán thức ăn dạo… Tuy nhiên, những dịch vụ này đều phải có giấy phép và phải trả phí.

Giờ chính quyền phá bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè thì cũng nên hướng dẫn người dân các thiết kế hoặc phương pháp khắc phục, tránh để mỗi nhà một kiểu “cầu”, trông cũng lôi thôi, không đảm bảo văn minh đô thị.

Thiết kế bậc tam cấp mà không lấn chiếm vỉa hè: Gọn phố phường, lại tránh được mưa ảnh 2Các hộ dân trên phố Xã Đàn đồng thuận sửa lại bậc tam cấp theo đúng diện tích sử dụng trong “sổ đỏ” 

- Là một kiến trúc sư, ông có gợi ý gì để vừa đảm bảo mỹ quan hè phố, vừa tiện cho dân sinh?

- Mấy hôm nay, mô hình thiết kế nhà có bậc tam cấp thụt vào trong ở nước ngoài được chia sẻ nhiều trên mạng, theo tôi hoàn toàn có thể ứng dụng ở ta. Đơn giản nhất là làm bậc tam cấp từ ranh giới đất - trên sổ đỏ - lùi vào phía trong nhà. Chiều rộng nhỏ nhất khoảng 1m để đủ 1 cánh cửa đơn, chiều sâu đảm bảo mỗi bậc rộng 30cm để không làm người đi bị vấp. Khoảng rộng cần đủ để 2 người tránh nhau; còn tùy theo chủ nhà và diện tích mặt tiền mà mở rộng hơn. Thiết kế này khá đơn giản vừa giúp kiểm soát khách hàng ra vào, cộng thêm với việc trang trí hợp lý cũng là điểm nhấn của cửa hàng; đồng thời không tốn nhiều diện tích, đẹp đường phố, lại tránh được mưa. 

- Ngoài các biện pháp mạnh để chấn chỉnh, xử lý vi phạm, theo ông, chúng ta cần những biện pháp gì để quản lý tốt vỉa hè lâu dài?

- Tôi nghĩ cần có quy hoạch và chính sách đồng bộ cho việc buôn bán ở vỉa hè. Với những vỉa hè rộng, cần kẻ làn dành riêng cho người đi bộ. Có thể tạo điều kiện cho kinh doanh bán hàng mà không thu phí với điều kiện phải giữ gìn được trật tự văn minh, không xô bồ, ồn ào và ảnh hưởng môi trường cũng như mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thắt chặt việc quản lý. Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm tràn lan như hiện nay, có nguyên nhân do quản lý đô thị. Xây lấn ra vỉa hè cũng chẳng ai nhắc, bị xử phạt nên nảy sinh tâm lý là tội gì không lấn ra. Bên cạnh đó, chỉ nên cấp đăng ký kinh doanh cho các cửa hàng mặt phố khi các cửa hàng này cam kết không lấn chiếm vỉa hè hay cản trở người đi bộ.

Vi phạm thì không chỉ phạt tiền mà còn có cả chế tài thu hồi giấy phép kinh doanh nếu tái phạm nhiều lần. Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp phải làm gương. Cùng đó, cần kiên quyết xử lý những cán bộ Nhà nước tiếp tay, “bảo kê”… cho việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè...