"Thiệt đơn thiệt kép" do không rõ quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp

ANTD.VN - Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động đã chiếm đoạt khoản tiền này bằng cách “nợ” hoặc chậm chi trả cho người lao động, thậm chí là chiếm dụng.

Nhiều người lao động bị mất quyền lợi do thiếu hiểu biết về chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp được xem như là “phao cứu sinh” khi người lao động mất việc làm. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hưởng những quyền lợi như: hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ chi phí học nghề.  Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người lao động đang bị mất quyền lợi do thiếu hiểu biết nên không làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc do họ là nạn nhân của đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội. 

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, tính đến ngày 9-7-2018, Hà Nội có gần 150.000 người lao động làm việc trong 16.985 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội. Điều đó đồng nghĩa với việc toàn bộ số lao động này có nguy cơ mất "phao cứu sinh" nếu doanh nghiệp thiếu hợp tác.

Bàn về vấn đề giải quyết trợ cấp cho người lao động trong đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, Khoản 3 Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội có trách nhiệm đóng đủ các khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận sổ bảo hiểm xã hội để kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động.

Việc xác nhận sổ bảo hiểm xã hội thực hiện trên nguyên tắc người lao động đóng bảo hiểm xã hội tới thời điểm nào, xác nhận vào sổ bảo hiểm xã hội tới thời điểm đó và trả sổ cho người lao động giữ để tiếp tục tham gia hoặc bảo lưu thời gian đóng. Sau khi đơn vị đóng khoản tiền nợ bảo hiểm xã hội, thì sẽ xác nhận bổ sung vào sổ bảo hiểm xã hội.

Từ thực tế giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, bên cạnh yếu tố khách quan từ phía chủ sử dụng lao động, không ít người lao động cũng tự đánh mất quyền lợi của mình do thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật.

Có trường hợp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng vì không khai báo tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu giấy tờ nên không được trợ cấp, cũng không được bảo lưu.

Để được hưởng đầy đủ quyền lợi, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, khi thất nghiệp, người lao động cần nộp hồ sơ đến trung tâm gồm: Đơn xin trợ cấp, sổ bảo hiểm, quyết định thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động. Sau đó, hằng tháng nếu người lao động không đến khai báo tình trạng thất nghiệp thì sẽ mất khoản trợ cấp lẽ ra được hưởng.

Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng khuyến cáo người lao động cần lưu ý đến thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp phải theo đúng thời gian quy định tại khoản 1, Điều 46 Luật Việc làm. Nếu không, quyền lợi của người lao động sẽ không được đảm bảo.

Theo các chuyên gia lao động, bản chất của việc đóng bảo hiểm thất nghiệp là nhằm bù đắp một phần thu nhập, góp phần trang trải cuộc sống cho người lao động trong thời gian tìm việc làm mới. Tuy nhiên, quyền lợi của nhiều người lao động đang bị ảnh hưởng do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Để hạn chế bất cập trên, người lao động cần tìm hiểu để nắm rõ các quy định của pháp luật về lĩnh vực này, đồng thời các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội để bảo đảm chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự có ý nghĩa với người lao động.