Thiết bị thông minh thay thế cho loa phường: Thông tin nhanh, chính xác và văn minh

ANTD.VN - Thiết bị thông minh được thí điểm thay thế cho loa phường cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân và hỗ trợ tích cực cho chính quyền tuyên truyền các vấn đề chính trị- xã hội.

Thiết bị thông minh thay thế cho loa phường: Thông tin nhanh, chính xác và văn minh ảnh 1

Thiết bị thông minh có hiệu quả tuyên truyền tốt

Thiết bị nhỏ gọn, thông tin nhanh chóng

Được chọn là một trong số những hộ dân được lắp đặt thiết bị thông minh thay thế cho loa phường tại gia đình, ông Nguyễn Văn Tập (phường Yên Hòa- Cầu Giấy) cho biết: “Lúc đầu chúng tôi cũng nghi ngại việc lắp đặt thiết bị trong nhà, nhưng sau khi sử dụng thấy thiết bị nhỏ gọn, cách thức sử dụng linh hoạt hơn nên gia đình rất thích.

Thông tin về các vấn đề chính trị, xã hội hay các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương vẫn được truyền tải đầy đủ, kịp thời. Thiết bị thông minh này khá tiện dụng, nhưng không biết khi hết thí điểm, giá cả sử dụng như thế nào?”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tập, trước đây, một số người trong gia đình ông cũng như hàng xóm xung quanh không ít lần bức xúc với loa phường, bởi thông tin trên loa được phát từ sáng sớm, rất ồn ào, ảnh hưởng đến nhiều người, lại thiếu tập trung, hiệu quả không cao. Thiết bị thông minh thay thế phần nào giải quyết những vấn đề vướng mắc này.

Đã được biết đến kế hoạch thay thế loa phường bằng thiết bị thông minh của thành phố, ông Trần Huy Quang (Thanh Nhàn- Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Tôi rất tò mò về thiết bị thông minh thay thế. Loa phường để thông tin các vấn đề đến đông đảo người dân cùng lúc là rất cần thiết, nhưng thời đại 4.0 rồi, có thiết bị tiến bộ hơn, thông minh hơn để truyền tin thì cũng nên thử”.

Cần khắc phục một số hạn chế của thiết bị

Là một trong những phường được chọn thí điểm lắp đặt thiết bị thông minh thay thế loa phường, phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) đã thí điểm lắp đặt 50 thiết bị cho 50 hộ gia đình trên địa bàn.

Qua tổng hợp các ý kiến của đại diện 50 hộ gia đình được lựa chọn trên địa bàn, cơ bản các hộ dân đồng tình và nhất trí với chủ trương đổi mới phương thức tuyên truyền qua thiết bị thông minh; các nội dung thông tin được truyền tải xuống cơ sở nhanh, chính xác, dưới hình thức mới được người dân ủng hộ và đón nhận.

Đánh giá bước đầu về hiệu quả của thiết bị thông minh sau thời gian thí điểm, ông Nguyễn Đức Long- Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền cho biết: “Đối với người dân sử dụng, thiết bị được đánh giá khá tích cực.

Còn với người quản lý, điều hành, triển khai công tác tuyên truyền trên phần mềm thiết bị thông minh, phần mềm quản lý, điều hành, triển khai công việc trên thiết bị thông minh có nhiều tính năng, giúp cho công việc truyền tải các tin bài từ cấp trên đến cấp cơ sở được nhanh chóng, kịp thời”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Long, phía người sử dụng lo ngại khi đưa vào hoạt động chính thức, chi phí cho thiết bị cao, trong khi đó phần mềm còn có nhiều hạn chế, không phải cán bộ cơ sở nào cũng sử dụng được, cần sớm được khắc phục.

Bà Trần Hải Yến- Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cũng cho hay, hiện chưa thể đánh giá toàn diện về hiệu quả của thiết bị thông minh thay thế loa phường, do thiết bị mới được thí điểm thực hiện tại 50 hộ dân trên địa bàn phường. Bên cạnh đó, phường vẫn sử dụng song song 10 cụm loa truyền thanh nên thông tin tuyên truyền đến người dân về các vấn đề như phòng chống dịch bệnh, phòng cháy chữa cháy, lương hưu… đều được thực hiện hiệu quả, đều đặn.

“Nếu có điều kiện để mở rộng lắp đặt các thiết bị thông minh, đồng thời có biện pháp quản lý như chia tách địa bàn, chia tách tổ, đối tượng thì việc tuyên truyền qua thiết bị này sẽ đạt hiệu quả cao. Đánh giá ban đầu thì thiết bị mang lại hiệu quả tuyên truyền nhất định, khắc phục được một số hạn chế lớn của loa phường, đặc biệt là việc ồn ào, thông tin thiếu tập trung.

Thiết bị được lắp đặt trong nhà, mà thường mỗi hộ gia đình có cả người già, người trẻ nên việc sử dụng thiết bị gần như không gặp khó khăn gì.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, thiết bị còn một số hạn chế. Chẳng hạn như thiết bị không có nút tăng giảm âm thanh, nên các cụ cao tuổi muốn nghe to cũng không được”- bà Trần Hải Yến nói.

Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cũng cho rằng, nếu mở rộng lắp đặt, giá thiết bị và cước sử dụng dịch vụ phải hợp lý. Nếu giá quá cao, người dân có thể chưa đồng tình.

Việc thí điểm thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường được UBND TP Hà Nội cho phép thực hiện đến tháng 1-2018. Phạm vi thí điểm là 200 hộ trên địa bàn 4 phường: Kim Mã, Thành Công (quận Ba Đình), Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm), Yên Hòa (quận Cầu Giấy), mỗi phường thí điểm tại 50 hộ gia đình.

Trong thời gian này, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND các quận, phường, Viettel và MobiFone khảo sát, lấy ý kiến các hộ gia đình được sử dụng thiết bị thông minh. Nội dung khảo sát, lấy ý kiến tập trung vào 2 nhóm chính: Giảm số lượng loa và cụm loa tại các phường thuộc quận và triển khai thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường.

Đây là những căn cứ thực tế và kênh thông tin quan trọng để Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND TP xem xét, phê duyệt “Phương án sắp xếp đài truyền thanh xã, phường, thị trấn”, “Phương án triển khai thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường” và “Quy chế hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Trên cơ sở đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin cơ sở, trong đó có hoạt động của đài truyền thanh.