Thiết bị giám sát trẻ và những phản ứng tiêu cực

ANTĐ - Thời gian gần đây, việc bí mật sử dụng các sản phẩm công nghệ có chức năng định vị, theo dõi nhằm mục đích giám sát trẻ chat, trò chuyện với người lạ đang được nhiều bậc phụ huynh coi là giải pháp hữu hiệu để quản lý con em mình. Tuy nhiên, việc này có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Các thiết bị nghe trộm được rao bán tràn lan trên mạng (Ảnh minh họa)

Bỏ nhà vì phát hiện bố mẹ theo dõi

Với giọng nói ngập ngừng, cô bé N.T.N, học sinh lớp 10, một trường THPT trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã gọi điện đến đường dây nóng (ĐDN) Báo ANTĐ cho biết em đã rất sốc khi phát hiện ra mình bị bố mẹ cài đặt phần mềm nghe trộm trên điện thoại. “Sau khi biết bố mẹ cài đặt thiết bị này để kiểm soát xem em chơi với ai, hàng ngày làm những gì,…em thấy mình bị tổn thương nghiêm trọng. Việc họ bí mật cài đặt thiết bị nghe trộm, điều này chẳng khác nào lòng tin mà bố mẹ dành cho em trước đây chỉ là giả tạo”, N ấm ức tâm sự. N cũng cho biết vì tức giận trước hành động của bố mẹ, cô bé đã bỏ nhà đi gần một tuần nay. Tuy nhiên, do N không phải là một cô bé hư hỏng, từ trước đến nay lại chưa từng sống xa gia đình nên em thấy rất sợ hãi và lo lắng. Chính vì vậy, N đã gọi điện đến ĐDN để nhờ chúng tôi tư vấn. Sau khi nói chuyện với N, tôi đã khuyên cô bé nên trở về nhà và nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ mình. Rất có thể bố mẹ N chỉ muốn những điều tốt đẹp cho con gái mình nhưng cách mà họ làm đã khiến cô bé có suy nghĩ tiêu cực.

 Đời sống xã hội phát triển, kéo theo đó ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu của con người. Để có thể dễ dàng hơn trong việc bảo vệ con cái, nhiều phụ huynh đã không ngần ngại sử dụng công nghệ vào việc giám sát chúng. Không ít phụ huynh còn đặt thiết bị quay trộm trong phòng riêng của con và khi biết mình đang bị nghe lén, không ít cô bé, cậu bé trở nên hoang mang và cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói ngay trong chính ngôi nhà của mình. Không ít trường hợp đã có phản ứng tiêu cực trước sự nghe lén, hoặc giám sát của bố mẹ, thậm chí có em đã tập cách đối phó với những thiết bị mà cha mẹ cài đặt.

 Mặc dù luôn tự tin với những nguyên tắc trong việc nuôi dạy con cái, nhưng ngay sau khi phát hiện cô con gái đang học lớp 11 yêu một anh chàng cùng khối trong trường, chị Nguyễn Mai Loan, ở phường Thành Công, quận Ba Đình như ngồi trên đống lửa. Mặc dù chưa có bằng chứng, nhưng chị đã trách phạt, nghiêm cấm con gái không được hẹn hò. Chưa dừng lại ở đó, chị còn mua phần mềm giám sát cài vào điện thoại của con. Những cuộc điện thoại, tin nhắn tình tứ của con gái và bạn trai, chị đều biết rõ. Chị còn thực sự sốc khi biết con gái mình đã trốn bố mẹ đi chơi với bạn trai trong khoảng thời gian đi học nhóm tại nhà bạn. Chị Loan đã mắng nhiếc con gái thậm tệ và lỡ lời thừa nhận lý do chị biết rõ mọi chuyện con làm là do đã cài đặt thiết bị giám sát vào điện thoại của cô bé. Vì cho rằng, bố mẹ đã xúc phạm mình, cô bé đã bỏ nhà để lại lời nhắn: “Bố mẹ đừng bao giờ tìm con nữa”. “Ngày nào tôi cũng đến trường, dò hỏi bạn bè, nhưng không ai biết cháu ở đâu. Chẳng biết con tôi có làm điều gì dại dột không. Nếu có chuyện gì xấu xảy ra với con bé, chắc tôi không sống nổi”, chị Loan lo lắng.

Xâm phạm quyền bí mật đời tư

Hiện nay các phần mềm gián điệp này được rao bán tràn lan trên mạng với giá từ 1,5-2,5 triệu đồng, kèm theo những dòng quảng cáo: “Bạn muốn quản lý con em hoặc người thân trong gia đình? Với các tính năng: Quản lý tin nhắn, quản lý cuộc gọi, nghe âm thanh xung quanh ĐTDĐ,… sẽ giúp bạn dễ dàng giám sát được mọi hoạt động trên máy điện thoại mà bạn cần cài đặt dưới chế độ ẩn mà không ai có thể phát hiện được. Sau đó bạn chỉ việc quản lý và lắng nghe hoặc xem tất cả các thông tin trên điện thoại đã cài đặt qua mạng Internet ở bất kỳ đâu trên thế giới và tất cả các ngôn ngữ…”. 

Ngoài nội dung giới thiệu tính năng, những đoạn quảng cáo này còn ghi rất cụ thể về cách cài đặt. Chẳng hạn, để cài đặt phần mềm nghe trộm vào điện thoại di động, cha mẹ phải có ĐTDĐ của con mình trong khoảng 15 phút. Chỉ cần mở trang web trên máy điện thoại này, nhập mã số, việc tải phần mềm và cài đặt sẽ được tự động thực hiện trên máy. Sau đó, phần mềm gián điệp này sẽ trở thành “thám tử” hoạt động âm thầm trong chiếc ĐTDĐ của con bạn, ghi nhận các nội dung tin nhắn, nhật ký cuộc gọi và chuyển thông tin liên tục cho người nghe trộm. 

Trước xu hướng cài đặt phần mềm giám sát của các bậc phụ huynh đối với con em mình, Luật sư Võ Đình Hải, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 38 Bộ luật Dân sự đã quy định rõ: “Bí mật đời tư của cá nhân; thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật”. Ở mức độ ít nghiêm trọng, người nghe trộm thông tin của người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xin lỗi hoặc bồi thường. Còn đối với trường hợp nghiêm trọng, hành vi này có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (Điều 125 Bộ luật Hình sự)… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh cho rằng, việc cài đặt thiết bị nghe trộm, phần mềm theo dõi con cái của họ là chuyện bình thường và đó là quyền của họ. Chính những phản hồi tiêu cực từ phía những các em - nạn nhân của những thiết bị trên, buộc các bậc phụ huynh cần có cái nhìn sâu sắc hơn trước khi lựa chọn cách bảo vệ, chăm sóc con em mình. Lòng tin và giáo dục đúng cách chính là phương thức quản lý con hữu hiệu nhất mà các bậc phụ huynh nên áp dụng.