Thiết bị cứu hộ “nghe, nhìn thấy” nạn nhân trong đống đổ nát

ANTĐ - Các nhà khoa học thuộc Cục Thiết kế nghiên cứu thực nghiệm (KBOR) của Nga vừa nâng cấp một thiết bị có tên Pikor-bio vốn được thiết kế để dùng cứu hộ nạn nhân trong các trường hợp động đất, sập nhà, hầm lò … Với những cải tiến mới của Pikor-bio, thiết bị này đang được sự quan tâm của các nhà đầu tư sản xuất trên thế giới. 

Người bạn đồng hành tuyệt vời 

Hiện tại, Pikor-bio được đánh giá là thiết bị đặc biệt, rất hữu ích trong công tác cứu hộ, cứu nạn vì nó giúp cho nhân viên cứu hộ có thể phát hiện ra những nạn nhân nằm trong đống đổ nát của vụ tai nạn trong thời gian sớm nhất với tỷ lệ cứu sống người bị nạn cao. Việc sử dụng công nghệ mới nhất đã giúp Pikor-bio có thể phát hiện được nhịp đập tim và cơ hoành của nạn nhân dưới đống đổ nát, từ đó giúp đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường sớm nhất. Pikor-bio có thể “nghe và nhìn thấy” những người còn sống không chỉ xuyên qua các chướng ngại vật như đống đất đá đổ nát, mà còn ghi lại được những hoạt động sống của cơ thể qua lớp tường bê tông, gạch dày khoảng 40cm trong khoảng cách 2,5m, gần 1m qua lớp cát và khoảng 1,5m dưới lớp tuyết phủ. Đặc biệt, khi Pikor-bio hoạt động, nó không gây nhiễu bất kỳ loại thiết bị phát và thu sóng khác vì nó được thiết kế có khả năng miễn nhiễu có thể hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao khoảng từ 40-50 độ C. “Hình dáng bề ngoài của Pikor-bio là một chiếc hộp nhựa có gắn camera và máy tính bảng. Khi sử dụng, nhân viên cứu hộ sẽ phát radar trên bề mặt cần dò tìm và quan sát đồng hồ radarogram trên màn hình máy tính bảng. Từ đó, nhân viên cứu hộ có thể phát hiện được những người còn sống sót dưới lớp cát, tuyết dày hoặc bê tông, ông Timur Gorgeladze, Trưởng Bộ phận Tiếp thị thuộc Cục Thiết kế nghiên cứu thực nghiệm của Nga cho biết. 

Thiết bị an ninh cho lực lượng vũ trang

Ngoài chức năng được nhân viên cứu hộ dùng để dò tìm nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát sau thiên tai, Pikor-bio còn được cảnh sát, trinh sát đặc nhiệm và lính đổ bộ trong các lực lượng vũ trang dùng khi tác chiến. Nó có thể “nhìn thấy” có bao nhiêu đối tượng đứng đằng sau một cánh cửa đóng kín với cự ly gần 3m. Ngoài ra, nhờ những ứng dụng thông minh này, nhân viên tại các khu an ninh ở sân bay, hải quan, cảng, ga tàu có thể sử dụng để xác định hàng cấm và kiểm tra các loại hàng hóa khác mà không cần mở dấu niêm phong. Với thiết kế nhỏ gọn, 41cm x 27cm, trọng lượng chỉ  1,8kg, có thiết kế phần mềm trong nước, phù hợp với mọi địa hình sau thiên tai, thảm họa nên nó sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho công tác cứu hộ cũng như dịch vụ an ninh. Hiện nay, Pikor-bio đang thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, chính quyền trong nước mà cả các chuyên gia Trung Quốc. Ấn Độ sử dụng để cứu hộ các nạn nhân ở khu vực miền núi những nước này. 

Cách “nhìn xuyên tường” của người Mỹ

Năm 2013, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cũng đã tạo ra một thiết bị cầm tay có thể giúp người sử dụng “nhìn thấy” những gì đang chuyển động ở phía bên kia một bức tường. Thậm chí, các nhà khoa học cho biết thiết bị có tên Wi-Vi này có thể “nhìn thấy” cả những chuyển động rất nhỏ. Các nhà khoa học giải thích, Wi-Vi hoạt động bằng cách phát ra những tín hiệu Wi-Fi vào bức tường đó. Sau đó, một phần tín hiệu này sẽ xuyên qua bức tường, tương tác với “đối tượng” ở bên kia bức tường và quay trở lại thiết bị. Đây cũng là một trong những thiết bị được cảnh sát sử dụng để phát hiện ra những đối tượng đang lẩn trốn và nhân viên cứu hộ phát hiện được nạn nhân đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát sau vụ tai nạn.