Thiết bị cứu hộ, cứu nạn PCCC: Vừa thiếu, vừa yếu

(ANTĐ) - Hỏa hoạn xảy ra liên tiếp trong thời gian qua làm nhiều người nhận ra một thực tế đáng báo động, công tác cứu hộ, cứu nạn trong PCCC tại Thủ đô vừa thiếu lại vừa yếu, đó cũng là nguyên nhân khiến hiệu quả công tác chữa cháy chưa như mong muốn.

Thiết bị cứu hộ, cứu nạn PCCC: Vừa thiếu, vừa yếu

(ANTĐ) - Hỏa hoạn xảy ra liên tiếp trong thời gian qua làm nhiều người nhận ra một thực tế đáng báo động, công tác cứu hộ, cứu nạn trong PCCC tại Thủ đô vừa thiếu lại vừa yếu, đó cũng là nguyên nhân khiến hiệu quả công tác chữa cháy chưa như mong muốn.

Thang chữa cháy được “biến hóa” làm phương tiện cứu hộ cứu nạn
Thang chữa cháy được “biến hóa” làm phương tiện cứu hộ cứu nạn

Lấy sức người “chọi” với sức lửa

Trở lại vụ cháy kho và xưởng sản xuất rộng khoảng 1.400m2 tại Công ty TNHH Thương mại - sản xuất Phúc Thành, phường Biên Giang, quận Hà Đông đầu tháng 10 vừa qua. Nhận được tin báo cháy, chỉ sau hơn 10 phút, những xe chữa cháy đầu tiên của Đội Cảnh sát PCCC Hà Đông đã có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên lúc này, toàn bộ phần nhà xưởng của công ty được xây theo kết cấu khung vì kèo sắt, mái lợp tôn đã bị sụp đổ hoàn toàn. Những tấm tôn lớn đổ sập vô tình tạo thành tấm “lá chắn”, bao bọc những ngọn lửa bùng cháy dữ dội phía dưới. 13 xe chữa cháy cùng gần 200 lính cứu hỏa căng sức chống chọi với “giặc lửa”, trườn mình trên những tấm tôn nóng ran, phun nước chữa cháy. Tuy nhiên, nước phun đến đâu chuội đi đến đấy vì  mặt phẳng của những mái tôn. Không còn lựa chọn nào khác, lính chữa cháy được yêu cầu lao vào vòng lửa, dùng xà beng, bồ cào... bẩy, cậy những tấm tôn đỏ rực, tìm nơi lửa “trốn”, tập trung “vòi rồng” phun nước.

Hơn 1 giờ vật lộn với “giặc lửa” mà đám cháy chưa được khống chế, lực lượng cảnh sát PCCC phải nhờ người dân liên hệ thuê giúp 1 máy xúc xây dựng đến hiện trường cào, gạt những mảnh tôn sụp để chữa cháy. Chỉ khi chiếc máy xúc đến hiện trường, việc chữa cháy mới thực sự hiệu quả, đám cháy được dập tắt sau hơn 3 giờ bùng phát dữ dội.

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC, với các vụ cháy kho có kết cấu khung vì kèo sắt, mái lợp tôn như tại Công ty TNHH Thương mại - sản xuất Phúc Thành, nếu có những phương tiện cứu hộ, cứu nạn đặc chủng, việc chữa cháy sẽ kết thúc rất nhanh. Đơn cử, với các tấm tôn bị sụp đổ, các xe cứu hộ hiện đại sẽ tiếp cận để cắt, kẹp, cẩu các tấm tôn nhấc ra xa. Các “vòi rồng” lúc này chỉ việc tập trung phun nước vào điểm cháy, đám cháy sẽ nhanh chóng được khoanh vùng, dập tắt. Không chỉ riêng vụ cháy tại Công ty TNHH Thương mại - sản xuất Phúc Thành, vụ cháy tại kho của Công ty TNHH Vận tải và du lịch Hoa Việt - đường Ngụy Như Kom Tum, quận Thanh Xuân; tại Công ty TNHH Thương mại Xuân An, khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, Gia Lâm… công tác chữa cháy cũng gặp khó khăn tương tự bởi thiếu phương tiện cứu hộ, cứu nạn.

Không đáp ứng được thực tế

Hàng năm, lực lượng cảnh sát PCCC CATP Hà Nội đều có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hàng chục buổi diễn tập phương án PCCC, cứu hộ cứu nạn quy mô, đặc biệt tại các tòa nhà cao tầng. Và năm nào cũng vậy, “giáo án” của lực lượng chữa cháy Thủ đô đưa ra gần như có duy nhất một phương án cứu hộ cứu nạn, là dùng xe thang cứu người mắc kẹt trên tầng cao (thường ở độ cao khoảng 10m). Tuy vậy, tham gia diễn tập, có lẽ ít người biết rằng, thực chất nhiệm vụ của xe thang là đưa lính cứu hỏa và “vòi rồng” tiếp cận những điểm cháy trên cao, chứ không phải được sản xuất chuyên cứu hộ, giải cứu người bị nạn, mắc kẹt trong đám cháy. Giải thích cho điều này, một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC cho biết: Do cảnh sát PCCC đang thiếu nhiều phương tiện cứu hộ, cứu nạn, việc đưa xe thang vào diễn tập PCCC như một cách “sáng tạo” để buổi diễn tập thêm phong phú, gần hơn với thực tế. Còn cách cứu hộ như: nhảy đệm hơi, đu dây… trong diễn tập cứu hộ, cứu nạn không phải ai cũng đủ can đảm thực hiện. 

Theo tìm hiểu của PV ANTĐ, những năm trước đây, được sự quan tâm của chính quyền thành phố, lực lượng cảnh sát PCCC Hà Nội đã được trang bị, đầu tư 3 chiếc xe cứu hộ, cứu nạn đặc chủng, nhưng đến nay chỉ còn 2 xe hoạt động được. Tuy nhiên, tại các buổi diễn tập phương án PCCC, cứu hộ, cứu nạn, hay trong các buổi chữa cháy thật, 2 xe cứu hộ, cứu nạn này rất ít khi “lộ diện” do không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trên những chiếc xe này, phương tiện cứu hộ, cứu nạn đi kèm chỉ gồm: máy khoan, cắt sắt, phá bê tông, kích, cần cẩu trọng lượng nhẹ… Trong các vụ cháy lớn, những phương tiện cứu hộ cứu nạn đơn giản như trên khó phát huy tác dụng.

Trang bị các phương tiện cứu hộ, cứu nạn trong PCCC nhất là trong tình hình hiện nay là cấp thiết. Song, khi mọi người nhớ lại vụ xảy cháy tại Trung tâm Thương mại quốc tế ITC - TP Hồ Chí Minh vào tháng 10-2002. Hình ảnh nhiều người bị chết cháy, bị mắc kẹt trong đám cháy chỉ còn cách liều mình nhảy từ trên cao xuống thoát thân… sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng của các thiết bị như: ống tụt, lưới cứu hộ, đệm hơi, hay xa xỉ hơn là máy bay chữa cháy.

Thu Hạnh

Còn nữa