Thiên tai sẽ còn khó lường và cực đoan hơn

ANTĐ - Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm 2015 đến hết tháng 8, thiên tai xảy ra trên nước ta đã làm 116 người chết và mất tích. So với cùng kỳ hàng năm mức thiệt hại về người là tương đương, nhưng thiệt hại về kinh tế tăng gấp 3,5 lần. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nếu không có biện pháp ứng phó và thích nghi thì giá trị gia tăng kinh tế 1 năm Việt Nam làm ra chưa bằng mức thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Thiên tai sẽ còn khó lường và cực đoan hơn ảnh 1Từ đầu năm 2015 đến hết tháng 8, Việt Nam đã mất 5.500 tỷ đồng vì thiên tai

8 tháng mất 5.500 tỷ đồng

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm 2015 đến hết tháng 8, mặc dù bão, lũ ít hơn so với trung bình nhiều năm nhưng lại ghi nhận những hình thái thời tiết cực đoan, phá kỷ lục. Cụ thể như, nắng nóng kỷ lục ở miền Bắc và miền Trung với nền nhiệt độ lên tới 42 độ C, hạn hán khốc liệt, kéo dài ở Nam Trung bộ, mưa kỷ lục ở Quảng Ninh, giông lốc bất thường gây hậu quả lớn ở Hà Nội… Tổng thiệt hại ước tính lên tới gần 5.500 tỷ đồng. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhìn nhận, mặc dù thiệt hại về người không lớn, nhưng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra đã gấp 3,5 lần so với cùng kỳ nhiều năm. “Với một nền kinh tế còn nhỏ như Việt Nam thì mức thiệt hại do thiên tai gây ra như vậy là quá sức chịu đựng. Đáng nói, sự bất thường của thiên tai cũng như những thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ không dừng lại ở đây, chắc chắn sẽ còn gia tăng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng rõ rệt. Hiện tượng cực đoan của thời tiết tác động nặng nề lên nền kinh tế, giá trị gia tăng của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong 1 năm có thể sẽ không bằng mức thiệt hại do thiên tai gây ra cũng trong 1 năm”, Phó Thủ tướng nhận định.

Ứng phó thiên tai mới chỉ tốt khi diễn tập

Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đợt mưa lịch sử trên địa bàn tỉnh từ ngày 25-7 đến 5-8 gây ra hậu quả nặng nề một phần do công tác dự báo còn bất cập, dẫn tới công tác chỉ đạo, ứng phó những ngày đầu còn lúng túng. Đáng nói, công tác diễn tập phòng chống thiên tai từ cấp quận, huyện đến cấp phường, xã rất lúng túng khi vào thực tế. Trong khi, nhận thức của người dân về thiên tai cũng chưa đến nơi đến chốn, không ít người vẫn xem công việc phòng chống thiên tai là của cơ quan chức năng, không có kỹ năng ứng phó khi thiên tai bất ngờ xảy ra. 

Đồng quan điểm, Trung tướng Phạm Hoài Giang, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho rằng, mặc dù thiên tai diễn ra hàng năm nhưng hiểu biết và nhận thức của người dân còn rất giản đơn và chủ quan. Đáng nói, từ Trung ương tới các tỉnh, thành phố rất ráo riết, rất “nóng”, nhưng từ cấp quận, huyện trở xuống thì “nguội”. Sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể còn hạn chế.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhìn nhận, sự bất thường của thời tiết ngày càng làm cho chúng ta lo lắng hơn. Biến đổi khí hậu đã tác động rõ rệt tới Việt Nam, gây ra những hình thái thời tiết cực đoan như nóng hơn, lạnh hơn, mưa lũ dồn dập trong một thời điểm, rồi lại hạn hán kéo dài. “Chúng ta đã xây dựng kịch bản, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai nhưng chúng ta vẫn lúng túng khi ứng phó sự cố thiên tai. Thiên tai sẽ còn khó lường và cực đoan hơn, vì vậy mỗi ngành, địa phương cần có giải pháp cụ thể, quy hoạch cụ thể”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý. 

Phó Thủ tướng cũng cho hay: “Tại sao Nhật Bản là một quốc gia gánh chịu nhiều thảm họa, thiên tai nhưng thiệt hại về người và tài sản thường được hạn chế đến mức tối đa. Bởi do mỗi người dân Nhật Bản đều biết và hiểu rõ, trong những tình huống cụ thể thì phải ứng phó ra sao. Nếu chúng ta không đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai thì thiệt hại sẽ còn vô cùng lớn và chúng ta cũng không có cơ hội để ứng phó khi thiên tai đã ập đến”.