Thiện nguyện qua tiếng hát

ANTD.VN - Thạc sỹ Dương Thị Minh Thu - Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viên Nhi Trung ương gọi điện cho tôi: “Này em, suốt mấy tháng nay có một nhóm bạn trẻ tuần nào cũng vào bệnh viện tặng tiền giúp đỡ các bệnh nhi nghèo khổ chữa bệnh đấy. Có điều, số tiền họ có được là nhờ việc đi hát rong ngoài phố”. Lâu nay, tôi chỉ thấy người ta đi hát để mưu sinh, chứ hát rong để lấy tiền giúp người nghèo thì đây là lần đầu. Vì thế, chẳng đợi chị Thu nói câu thứ hai, tôi tới ngay.

Thiện nguyện qua tiếng hát ảnh 1Nhóm “Hát rong từ thiện” trao tiền quyên góp cho gia đình các bệnh nhi nghèo
tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Cái duyên của những người “rỗi việc”

Dọc đường vào bệnh viện, tôi thầm nghĩ, câu chuyện này nghe có vẻ rất… tào lao. Cuộc sống như phi mã bây giờ, người ta bận trăm công nghìn việc, nếu có tâm và muốn làm công tác thiện nguyện giúp người nghèo thì thiếu gì cách, mấy ai lại chọn cách vừa vất vả, vừa… rỗi hơi như thế? Mà cứ cho câu chuyện này có thật thì chắc cũng chỉ tồn tại được vài bữa là cùng. Tôi đến để xem mình có nhầm.

Hóa ra việc tặng tiền cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn đã được các bạn trẻ thuộc nhóm “Hát rong từ thiện” thực hiện đều đặn từ nhiều tháng nay. Khi tôi đến, Trần Phương Anh, nhóm trưởng của “Hát rong từ thiện” còn đang bận quay cuồng để thống kê danh sách những em nhỏ người dân tộc mắc bệnh hiểm nghèo mà cán bộ của Phòng Công tác xã hội vừa trao cho.

Những cái tên bệnh nhân mà chỉ nghe qua cũng biết đến từ những nơi xa xôi cách trở như Tráng A Cử, Vàng Thị Mùa, Giàng A Lầu… lần lượt được xướng lên, kèm theo đó là những khoản tiền 3 triệu hay 5 triệu đồng để hỗ trợ điều trị. Trần Phương Anh ngại ngùng cho biết: “Bọn em tiếc là chưa thể giúp đỡ họ thêm được nữa. Các hoàn cảnh khó khăn còn nhiều quá, đành phải chia ra cho mỗi người một chút. Bấy nhiêu đó chỉ dám gọi là trợ lực cho người nghèo những lúc khó khăn mà thôi”.

Trước khi kể cho tôi nghe về lai lịch của “nguồn tài trợ” này, Trần Phương Anh cứ nhất định bắt tôi hứa không đăng tên cô. Lý do đơn giản là bởi: “Muốn giúp người khác một cách vô tư bây giờ cũng khó lắm. Thấy bọn em kéo loa đi hát để quyên góp, nhiều người ác miệng bảo: “Con bé ấy làm nghề hát rong” hay “nó bị thần kinh đấy”. Thậm chí họ còn mang những lời lẽ đó để mỉa mai lũ trẻ nhà em. Nghĩ mà giận, nhưng cũng chẳng biết phải thanh minh thế nào. Vậy nên tốt nhất, anh đừng đưa em lên báo, việc thiện cứ lẳng lặng mà thực hiện thôi”... 

Thiện nguyện qua tiếng hát ảnh 2Nhiều em nhỏ cũng sẵn sàng thông qua nhóm "Hát rong từ thiện" để góp tiền cho các bạn nhỏ
đang phải nằm viện

Câu chuyện đi hát rong để giúp đỡ các bệnh nhi nghèo khó đến với cô gái này một cách tình cờ. Trong một lần đứng nghe nhóm hát rong gần ngõ nhà mình, Phương Anh nổi hứng xin cầm mic để trổ tài làm “ca sỹ”. Không ngờ, dù giọng hát chẳng phải dạng “chất” nhưng phong cách trình diễn có phần khá tự nhiên nên đã có rất nhiều khách móc ví cho tiền. Nhận thấy việc quyên góp theo cách này thuận lợi, Phương Anh đã chia sẻ ý tưởng thành lập một nhóm hát rong lấy tiền giúp đỡ các trường hợp bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo lên Facebook. Ngay lập tức, cô nhận được rất nhiều sự ủng hộ và tham gia của các bạn trẻ cùng tâm nguyện.

Facebook có tên “Hát rong từ thiện” lập ra chưa được 1 tháng mà đã thu hút tới 100 thành viên và con số này vẫn tăng lên từng ngày. Điều đáng ngạc nhiên là, nơi đây quy tụ rất nhiều thành viên hiện là sinh viên các trường nghệ thuật, kỹ sư hay thậm chí có cả bác sỹ. Nhiều người trong số đó từng thuộc diện “vang bóng một thời”.

Anh Ngô Việt Khôi - cựu thành viên ban nhạc Đồng hồ báo thức, nguyên Giám đốc Công ty An ninh mạng Trend Micro Incorporated, đồng thời cũng là một thành viên cốt cán của nhóm cho biết: “Tôi nói thế này, có thể hơi nghiệt ngã, nhưng muốn giúp đỡ những người nghèo thì phải có tiền. Bây giờ bỗng dưng hô hào ai đó bỏ ra vài trăm nghìn đồng giúp đỡ cho một trường hợp vô danh mà họ chưa hề nghe đến thì xem chừng rất khó. Nhưng nếu chỉ là số tiền lẻ thì ít người phải cân nhắc thiệt hơn. Góp tiền lẻ ắt sẽ được món tiền lớn. Vậy thì chỉ có cách đi hát rong là chuẩn nhất. Chính vì vậy, tôn chỉ của nhóm “Hát rong từ thiện” là “Góp một bàn tay cho nhiều cuộc đời nhỏ”. Chúng tôi đã thành công khi tiếp cận theo hướng này. Bằng chứng là tuy mới thành lập được 3 tháng, nhưng “Hát rong từ thiện” đã giúp đỡ được cho hàng chục bệnh nhi với tổng số tiền lên tới gần 60 triệu đồng”.

Thiện nguyện qua tiếng hát ảnh 3Các du khách chụp ảnh chung với cả nhóm khi ủng hộ kinh phí giúp đỡ các bệnh nhi nghèo

“Góp một bàn tay cho nhiều cuộc đời nhỏ”

Dĩ nhiên, để làm công việc này các thành viên của nhóm cũng vấp phải vô vàn áp lực. Trở ngại lớn nhất mà các bạn trẻ phải vượt qua là mặc cảm của kẻ ăn xin cho dù họ xuất phát từ cái tâm thiện nguyện. Vì vậy, ngoài việc khi đi “biểu diễn” tất cả đều mặc đồng phục thì một sáng kiến được đưa ra, đó là cứ quyên góp ở con phố nào, các thành viên sẽ chung tay quét dọn, nhặt rác tại con phố đó. Đây được coi như lời cảm ơn gửi tới những người dân đã ủng hộ tiền cho các bệnh nhân mà “Hát rong từ thiện” muốn giúp đỡ. Phương Anh bảo: “Có một khó khăn nữa là sự cảm thông của chính người thân. Như em, cứ đêm nào đi hát quyên góp thì phải 1h sáng mới về tới nhà. Sau khi làm công tác tư tưởng, quán triệt tinh thần từ thiện, lại thấy bọn em vui vẻ với công việc, mọi người trong gia đình lại nhắc nhở: “Ngủ sớm để còn lấy sức cho buổi sau”. 

Rồi nhìn sang các thành viên khác của nhóm cô nói: “Không có thêm những bạn trẻ này thì em cũng bó tay luôn. Không chỉ động viên suông, chính họ cũng cầm mic đi hát hay quét rác vã mồ hôi như em vậy. Như bạn Huy đây, kỹ sư cơ khí mà tối thứ bảy thay vì đưa người yêu đi chơi thì lại đi hát xin tiền cho các em nhỏ chữa bệnh. Hay như cô bé Diệp, sinh viên trường ĐH Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội kia cũng thế…”.

Để đảm bảo những món tiền quyên góp được chia sẻ công bằng, đúng người, đúng việc, cả nhóm đã nhờ đến sự trợ giúp của các cán bộ Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Trung ương. Thạc sỹ Dương Thị Minh Thu - Trưởng phòng Công tác xã hội cho biết, tất cả những em nhỏ được nhận sự trợ giúp từ “Hát rong từ thiện” đều là người nghèo. Nhiều cháu nhà nghèo tới mức không thể nghèo hơn được nữa. Như trường hợp em Phàn Thị Chỉnh, người dân tộc Dao ở tận Sìn Hồ, Lai Châu chẳng hạn. Chỉnh năm nay mới 4 tuổi, nhưng mắc bệnh xơ gan rất nặng. Cha em, anh Phàn A Má biết vậy nhưng quanh năm chỉ bán mặt cho mấy nương ngô còi cọc nên chẳng có tiền chạy chữa cho con. Lăn lóc ở nhà suốt 3 năm, dù các bác sỹ ở huyện khuyên chuyển về Hà Nội mấy lần mà anh cứ lần lữa mãi.

Đến khi Chỉnh ngấp nghé cửa tử, anh mới đánh liều xuống Thủ đô, nhưng trong túi cũng chẳng có xu nào. Anh Má bần thần bảo: “Đưa đứa lớn đi chữa bệnh thì ở nhà lại không có ai làm nương lấy gạo nuôi đứa bé. Ở Hà Nội chẳng quen ai, 2 bố con chưa biết bấu víu vào đâu thì may mắn được các bác sỹ giới thiệu ra nhận tiền trợ giúp của các anh chị ở nhóm "Hát rong từ thiện". Nhờ khoản kinh phí này, tôi cũng có thêm điều kiện để chăm sóc cháu”.

Với người dân khu phố cổ Hoàn Kiếm, hình ảnh những chàng trai, cô gái mặc áo phông trắng in dòng chữ “Hát rong từ thiện” cầm mic hát tình ca dọc con phố đi bộ vào các buổi tối cuối tuần giờ đây đã trở nên quen thuộc. Không còn sự ngờ vực, dò xét như buổi ban đầu, họ dành khá nhiều thiện cảm cho cả nhóm khi biết những món tiền nhỏ của mình đóng góp đã đến được đúng địa chỉ cần thiết. Và ở trong Bệnh viện Nhi Trung ương, rất nhiều bệnh nhi nghèo nhờ sự giúp đỡ này mà có thêm sức lực để vượt qua cơn bạo bệnh.