- Tầm quan trọng của việc thực hiện quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông
- Trung Quốc lo lắng về sự di chuyển khó lường của tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông
- Mỹ gia tăng áp lực lên tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson luyện tập trên Biển Đông nhằm bác bỏ những yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc |
Những diễn biến phức tạp và nóng trên Biển Đông
Ngay những ngày đầu năm 2022, Mỹ đã gây chú ý khi triển khai cùng lúc nhiều hoạt động tuần tra, diễn tập hải quân ở Biển Đông. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Essex phối hợp tuần tra, diễn tập ở Biển Đông từ ngày 11 đến ngày 16-1 vừa qua với mục đích mà theo hải quân Mỹ là một phần trong nỗ lực “tăng cường sự sẵn sàng của hải quân và khả năng tương tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Giới quân sự quan sát hoạt động của hai nhóm tàu chiến hàng đầu của Mỹ đánh giá, khả năng tấn công tầm xa của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson kết hợp với khả năng chở lính thủy đánh bộ tới bất kỳ khu vực hàng hải nào của nhóm tàu USS Essex “góp phần đáng kể vào năng lực chiến lược của Mỹ trong việc tiếp tục giữ gìn một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Chuẩn đô đốc Dan Martin, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson, cho biết, khả năng kết hợp nhanh chóng và hiệu quả của tàu sân bay với nhóm tàu đổ bộ USS Essex đã thể hiện “mức độ sát thương đa dạng của hải quân Mỹ không như bất kỳ lực lượng hải quân nào khác” trên thế giới hiện nay.
Đáng chú ý, tham gia nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ có Đơn vị Viễn chinh thủy quân lục chiến số 11 cùng hai tàu đổ bộ loại lớn nhất của hải quân Mỹ là USS Essex và USS Pearl Harbor. Giới quân sự cho biết, đây là lần Mỹ tập trung nhiều tàu đổ bộ nhất tại Biển Đông trong vài năm trở lại đây.
Khi hai nhóm tàu tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và nhóm tàu đổ bộ USS Essex vừa rời khỏi Biển Đông, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Benfold của Mỹ đã tiến hành tuần tra sát vào đảo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hoạt động đảm bảo tự do hàng hải theo luật quốc tế trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa được xem là hành động nối tiếp liên tục thời gian qua của Mỹ nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mỹ triển khai diễn tập giữa nhóm tàu đổ bộ USS Essex và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson diễn ra trong bối cảnh Mỹ liên tiếp triển khai hoạt động của các nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông trong những năm gần đây. Theo đó, Mỹ đã triển khai 5 lượt nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông vào năm 2019 và tần suất này tăng lên 6 lượt vào năm 2020, và đặc biệt tăng đến 10 lượt trong năm 2021 vừa qua.
Không những vậy, theo các chuyên gia quân sự, các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trước đây thường tiến vào Biển Đông thông qua eo biển Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philippines. Tuy nhiên, gần đây hành trình của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông trở nên đa dạng hơn, có thể đi qua những vùng biển hẹp giữa các quần đảo của Philippines hay qua eo biển Balabac để vào Biển Đông như nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson mới đây.
Chuyên gia quân sự nhìn nhận, các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ dường như thử nghiệm các cách thức mới linh hoạt hơn, biến hóa và khó đoán định hơn nhằm đối phó chiến lược phong tỏa/chống tiếp cận mà Trung Quốc thi hành ở Biển Đông. Chiến thuật mới này của hải quân Mỹ là nhằm ứng phó với các hệ thống radar hiện đại mà Trung Quốc triển khai thời gian qua ở ba bãi đá Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Cùng hành động để chặn đứng tham vọng độc chiếm Biển Đông
Cùng với các cuộc diễn tập, tuần tra diễn ra liên tục của hải quân Mỹ trên thực địa ngay trong đầu năm 2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng gia tăng áp lực pháp lý lên tham vọng đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò”, thuyết “Tứ Sa”. Cục Các vấn đề đại dương, môi trường và khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12-1 đã công bố một tài liệu nghiên cứu (còn gọi là báo cáo số 150 về các Giới hạn trên biển) với nội dung phản bác "các yêu sách trái pháp luật” của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó bác bỏ các cơ sở địa lý và lịch sử của Bắc Kinh.
Việc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo số 150 cho thấy Washington tiếp tục chiến thuật “công phá các điểm yếu” trên mặt trận pháp lý trong chiến lược “thôn tính” của Trung Quốc ở Biển Đông. Những động thái cả trên thực địa và pháp lý cho thấy Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thực thi thế trận “nội công ngoại kích” nhằm đáp trả tham vọng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, vừa dùng sức mạnh quân sự kết hợp với sức mạnh pháp lý.
Khác với báo cáo số 143 công bố năm 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ vốn chỉ dừng ở việc yêu cầu Trung Quốc bổ sung thêm tài liệu về yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, báo cáo số 150 đã khẳng định rõ yêu sách chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông là phi pháp. Báo cáo 150 bổ sung thêm cả sự phi pháp trong các yêu sách của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa, giúp bổ sung thêm một bộ phận quan trọng bên cạnh phán quyết Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra năm 2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trên mặt trận pháp lý, với chiến thuật tấn công vào “điểm yếu pháp lý” của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ còn mở đường cho các hành động pháp lý khác của các nước đồng minh hoặc nhóm các thành viên ASEAN trực tiếp có liên quan đến Biển Đông. Cùng với đó, sự bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông về pháp lý là căn cứ để các đồng minh của Mỹ hậu thuẫn hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động nhằm khẳng định tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển này.
Ngay sau khi Mỹ công bố báo cáo 150, trong cuộc tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại trưởng và Quốc phòng thường niên diễn ra ngày 21-1, Anh và Australia đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ đối với những hành động gây căng thẳng, gồm việc quân sự hóa ở khu vực tranh chấp, sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển một cách nguy hiểm tại Biển Đông. Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Anh - Australia cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi quyền và tự do hàng hải của các nước tại Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Anh và Australia khẳng định cam kết sẽ làm việc cùng nhau để đối phó những mối đe dọa ngày càng gia tăng ở Biển Đông cũng như ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Bình Dương tự do, trong đó quyền chủ quyền của mọi quốc gia đều được tôn trọng. Hai đồng mình này của Mỹ cam kết, sẽ làm việc với đối tác để định hình khu vực dựa trên quy tắc và luật lệ, không chịu sự cưỡng ép, nơi các tranh chấp được giải quyết hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế.
Có thể thấy rất rõ, Mỹ cùng các đồng minh ngay trong những ngày đầu năm mới 2022 này đã hành động mạnh mẽ nhằm ngăn chặn tham vọng phi pháp hòng độc chiếm Biển Đông.