Thích ứng với biến động

ANTĐ - Bức tranh toàn cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đan xen giữa điểm sáng kinh tế với những đám mây căng thẳng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, sự chuyển giao lãnh đạo quốc gia đi kèm với những điều chỉnh chính sách. Là một quốc gia khu vực, Việt Nam đang cố thích ứng với một châu Á trong thời biến động.

Là quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất châu Á - năm 2012 Trung Quốc đã đưa vào chạy thử và huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh

Những căng thẳng, bất ổn xuất phát từ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển tiếp tục bao phủ tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong suốt năm 2012. Từ Biển Đông tới vùng biển Thái Bình Dương ở khu vực Đông Bắc Á nhiều lần nổi sóng gió với những cuộc tranh cãi, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo giữa các quốc gia trong khu vực.

Những căng thẳng này đã làm ảnh hưởng tới môi trường hoà bình và ổn định vốn là một trong những nhân tố quan trọng làm nên sự thịnh vượng của châu Á thời gian dài vừa qua. Bên cạnh đó, không chỉ các quốc gia trong khu vực mà thế giới, nhất là các cường quốc, đều lo ngại tranh chấp chủ quyền trên biển có thể đe dọa tới sự an toàn trên tuyến hàng hải được xem là huyết mạnh vận tải hàng hoá bận rộn bậc nhất thế giới.

Tranh chấp chủ quyền trên biển còn tác động nhiều tới mối quan hệ giữa các quốc gia và cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó, việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần đầu tiên không ra được Thông cáo chung hay “sự cố” tại Hội nghị cấp cao ASEAN đã cho thấy khá rõ điều này.

Gia tăng bất ổn từ tranh chấp chủ quyền trên các vùng biển châu Á-Thái Bình Dương còn kéo theo hệ luỵ tiềm ẩn những nhân tố rủi ro, đó là gia tăng chi phí quốc phòng để mua sắm thêm nhiều vũ khí trang bị của các nước trong khu vực. Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), ngân sách quốc phòng của nhiều châu Á đang tăng nhanh, trong đó chi phí quân sự của Trung Quốc đã tăng từ 22,5 tỷ USD năm 2000 lên hơn 90 tỷ USD năm 2012, đứng đầu khu vực.

Trong khi đó, năm qua cũng chứng kiến nhiều quốc gia chuyển giao quyền lực đáng chú ý tại khu vực châu Á. Tại Trung Quốc, sau 10 năm nắm quyền, ông Hồ Cầm Đảo đã chuyển giao quyền lực cho ông Tập Cận Bình, người được Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc bầu làm nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và quân đội nước này. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang diễn ra các cuộc chuyển giao quyền lực sau các cuộc bầu cử mà những nhà lãnh đạo mới được cho là sẽ thi hành các chính sách đối ngoại cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm.

Điểm mạnh và cũng là điểm sáng nhất ở châu Á-Thái Bình Dương năm 2012 là việc khu vực này có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, 7,5% theo báo cáo cập nhật mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB). Với tốc độ tăng trưởng này, châu Á không chỉ chống chọi tốt mà còn đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới.

Là một quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương, những biến động của tình hình mọi mặt của khu vực từ chính trị, an ninh tới kinh tế đều tác động tới Việt Nam. Nhìn lại những gì đã diễn ra ở trong và ngoài nước có thể thấy rằng chúng ta không chỉ thích ứng với một khu vực đang chuyển động nhanh mà còn tích cực tham gia nhằm tranh thủ cơ hội đồng thời vượt qua thách thức mà đất nước phải đối mặt.