Luật sư Nguyễn Thành Chung - Đoàn Luật sư Hà Nội:

Thích đánh nhau, dễ vào tù

ANTĐ - Gây gổ trong ngày thường đã là không nên, đây lại trong những ngày đầu năm mới. Khi tham gia đánh nhau, bản thân những người trong cuộc không chỉ bị thiệt hại về người và của mà đó còn là hành vi vi phạm pháp luật. 

“Đọc thông tin chỉ trong những ngày Tết đã xảy ra hơn 5.000 vụ đánh nhau, 6.200 người nhập viện tôi thực sự giật mình. Gây gổ trong ngày thường đã là không nên, đây lại trong những ngày đầu năm mới. Khi tham gia đánh nhau, bản thân những người trong cuộc không chỉ bị thiệt hại về người và của mà đó còn là hành vi vi phạm pháp luật. Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội… đã quy định mức phạt tiền khá cụ thể: Phạt tiền từ 500.000 đồng-1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng… Phạt tiền từ 2.000.000-3.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau…

Không chỉ bị xử lý hành chính, phạt tiền, những người tham gia đánh nhau còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi của họ đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Theo Điều 104, Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm… Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm -20 năm hoặc tù chung thân.

Cố ý gây thương tích được hiểu là hành vi dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác gây tổn thương cho cơ thể của người khác (như chém đứt tay, đánh gẫy xương…). Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi dùng thủ đoạn tác động vào cơ thể nạn nhân dẫn đến làm mất hoặc giảm chức năng các bộ phận trên cơ thể của họ. Về mặt khách quan, đó là hành vi dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác tác động lên cơ thể người khác gây tổn thương cho họ. Việc dùng vũ lực có thể chỉ bằng sức mạnh cơ thể hoặc kèm theo hung khí. Hậu quả gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân từ 11% trở lên là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Về khách thể, hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến sức khỏe của người khác. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp). Chủ thể của tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự”.