Thị trường xe công nghệ: "Đường dài mới biết ngựa hay"!

ANTD.VN - Chỉ vài tháng sau khi Grab thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á, thị trường xe công nghệ tưởng như êm ả lại âm thầm diễn ra nhiều cuộc trỗi dậy của các doanh nghiệp trong nước và “hút” thêm các nhà đầu tư nước ngoại, với chung một tham vọng là giành lấy thị phần mà Uber đã để ngỏ. 

Thị trường xe công nghệ: "Đường dài mới biết ngựa hay"! ảnh 1

Go-Việt, một phiên bản màu đỏ khác của Go-Jek ra mắt nhờ chiêu “Ốc mượn hồn”

Cuộc chiến xe công nghệ lại nóng lên, thậm chí hứa hẹn có phần cam go hơn cuộc chiến Grab – Uber, vì các đối thủ đa dạng hơn, chiêu thức tiếp thị và quản trị cũng có phần “thiên biến vạn hoá”.

“Ốc mượn hồn” và “độc chiêu” tiếp thị

Chiêu tiếp thị đánh vào tâm lý này đang được hai ứng dụng có tiềm năng là đối thủ của Grab trong tương lai là Go-Việt và FastGo thực hành khá mạnh tay nhằm lôi kéo người dùng và tài xế. Cả FastGo và Go-Việt đều đang dùng chung một công thức tiếp thị là đánh vào cơ chế cho không và kêu gọi tinh thần yêu nước của người Việt với khẩu hiệu “Người Việt dùng ứng dụng Việt”.

Bằng việc ra mắt đối tác, nhà đầu tư chiến lược mới là quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, FastGo muốn khẳng định vai trò là ứng dụng gọi xe do người Việt phát triển nay đã có nguồn lực trợ giúp, để cạnh tranh. Tuy nhiên, ngoài chiêu thức tiếp thị đánh vào tâm lý yêu nước và tuyên bố không lấy chiết khấu trên cuốc xe cho đến khi tài xế đạt ngưỡng doanh thu chịu trả phí dùng ứng dụng, FastGo còn quá mờ nhạt trong hoạt động thực tiễn ngoài thị trường.

Còn Go-Jek chọn cách vào Việt Nam với chiêu “Ốc mượn hồn”, đứng sau một ứng dụng Việt khác để thâm nhập thị trường. Nhiều chuyên gia và người dùng, tài xế, cảm thấy khá bối rối khi nghe tin Go-Viet đã chiếm được hơn 10% thị phần xe công nghệ chỉ sau 2-3 tuần ra mắt. Go-Việt cũng tiếp tục gây sốc khi tuyên bố sắp chính thức mở rộng hoạt động ra Hà Nội, thậm chí sắp ra mắt cả Go-Car, dù Bộ GTVT đã tuyên bố tạm thời không cấp phép thí điểm xe hợp đồng điện tử thêm nữa. Nếu Go-Việt tiếp tục ra mắt Go-Car, phải chăng chiêu đầu tư “chui” của Go-Jek vào thi trường Việt Nam đang phát huy hiệu quả và chứng tỏ, luật đầu tư đang có nhiều kẽ hở?

“Tân binh” mạnh miệng, “ông lớn công nghệ” âm thầm xây dựng nền tảng

Giữa nhiều thông tin dự đoán, đánh giá khác nhau làm người dùng bắt đầu thấy hoang mang thì thế trận cũng chỉ ra hai phe khá rõ ràng. Nếu các “tân binh” đều đưa ra những tuyên bố, số liệu “khủng” nhằm lôi kéo khách hàng và đối tác thì “ông lớn công nghệ” Grab, thương hiệu đang dẫn đầu trong thị trường ứng dụng đặt xe công nghệ với hơn 135.000 đối tác tài xế lại tỏ ra hết sức im lặng, tập trung vào nền tảng của mình.

Grab âm thầm thể hiện bản lĩnh của người dẫn đầu thị trường

Thông tin từ Fast Go cho biết, sau gần 3 tháng chính thức hoạt động, ứng dụng gọi xe này đã ghi nhận gần 15.000 đối tác lái xe đăng ký tham gia và hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng tại hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Không chịu thua kém, Go-Viet cũng đã bắt đầu kéo quân ra Hà Nội và hứa hẹn một cuộc chinh phạt mới, cạnh tranh trực tiếp với Grab. Tuy nhiên, bên cạnh việc tuyên bố việc nắm giữ thị phần thì các hứa hẹn của Go-Việt đã bắt đầu “lật mặt”.

Cam kết giữ cơ chế giá không thay đổi trong 6 tháng, nhưng chỉ sau hơn 3 tuần thực hiện chính sách đồng giá 5.000 đồng cho các chuyến xe dưới 8km, Go-Việt đã tăng lên 9.000 đồng và hiện tại cũng ngưng áp dụng cho giờ cao điểm. Các chương trình “miễn phí” đồng phục, đồ dùng cho tài xế cũng đã chuyển sang bán. Chương trình nhận cuốc thưởng 25.000 đồng cũng đã chuyển thành “chạy 28 cuốc/ngày nhận thưởng 300.000 đồng”. Thậm chí, ngay sau khi chạy bản Be-ta thử nghiệm tại Hà Nội được vài ngày, nhiều chương trình khuyến mãi khác cũng đã… tạm ngưng.

Trong khi đó Grab âm thầm thể hiện bản lĩnh của người dẫn đầu thị trường. Đội quân áo xanh vẫn ngày ngày âm thầm phục vụ người dùng với mạng lưới phủ rộng khắp các hang cùng ngõ hẻm. Sau bốn năm gia nhập thị trường xe công nghệ tại Việt Nam, có thể nói Grab đã tạo được dấu ấn và ảnh hưởng không nhỏ tới thói quen di chuyển của người dân.