Thị trường xăng dầu: Có thể gỡ mối... bòng bong

ANTĐ - Cuộc tranh luận trong Hội thảo điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường do liên bộ Công thương - Tài chính tổ chức ngày 20-9-2011 đã làm xôn xao dư luận. Nội dung cuộc tranh luận thì thiên hạ đã biết cả. Bộ Công thương và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì muốn Bộ Tài chính làm rõ cơ chế tính giá, cơ sở hình thành giá bán lẻ theo hướng đảm bảo giá bán lẻ tại thị trường trong nước đồng biến động với giá thị trường thế giới, nhưng vẫn đạt mục tiêu kiểm soát Nhà nước.

Khúc dạo đầu bi tráng

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương còn nhấn mạnh: “Đối với các lần điều chỉnh giá cần công khai cơ chế hình thành giá cho người tiêu dùng biết”. 

Bộ Tài chính thì khẳng định: Từ nay đến cuối năm không tăng giá xăng dầu mà sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá, trong trường hợp cần thiết Nhà nước sẽ bù lỗ. Thời gian qua Nhà nước đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Nhà nước đã trích trên 4.600 tỷ đồng để bù lỗ cho doanh nghiệp từ đầu năm 2011. Sự hy sinh của Nhà nước không thấy ai (doanh nghiệp?) để ý tới, trong khi doanh nghiệp chỉ biết kêu lỗ mà không chia sẻ với người tiêu dùng.

Thật ra việc này không mới, chỉ là lần đầu tiên việc tranh luận diễn ra công khai và gay gắt hơn. Một bên báo lỗ cần phải tăng giá. Một bên nói đã xem xét, không lỗ, thậm chí lãi, phần lỗ đã được bù, vì lợi ích phát triển kinh tế xã hội không được tăng giá. Tranh luận dẫn đến các đoàn thanh tra, kiểm tra được phái xuống 3 đơn vị nhập khẩu tới 60% tổng lượng nhập để xem xét. Nhưng với hàng trăm lô hàng nhập khẩu ở mọi thời điểm, lại phụ thuộc vào hàng trăm thời điểm thanh toán, hàng ngàn thời điểm đề xuất bán lẻ các lô hàng. Việc kiểm tra chắc chắn sẽ đi vào ma trận mà bên kiểm tra và bên bị kiểm tra khó mà thống nhất được với nhau.

Tôi lại nghĩ đến ngành y tế. Một mặt phải bù đắp được chi phí để bảo vệ sức khỏe nhân dân, chi phí khám chữa bệnh, thu hồi vốn đầu tư cơ sở vật chất ngành y tế. Một mặt phải đảm bảo an sinh xã hội, thỏa mãn nhu cầu khám chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hàng loạt các bệnh viện đã được cho phép tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi. Nhưng khi ngành y tế đề nghị tăng viện phí, bao nhiêu năm giải trình tính toán, báo lỗ thì ngành tài chính và các ngành liên quan lại bảo: không thế được, các anh còn chưa khai thác hết nội lực. Tăng viện phí thì người nghèo chết à?... Vậy là các giải pháp trung dung lại được đưa ra. Tỷ như tăng giá 350 thủ thuật, dịch vụ y tế, nhưng tăng ít một thôi không tăng đồng loạt. Các giải pháp chưa đáp ứng được nhu cầu tài chính cho ngành y tế tại thời điểm đó và khi đưa vào thực hiện thì nhu cầu đã tăng thêm mấy chục phần trăm. Quá tải bệnh viện, bác sĩ bỏ việc, dịch vụ khám chữa bệnh kém... cả dân và ngành y tế đều... kêu.

Giáo dục cũng vậy. Các trường đại học, các trường phổ thông mạnh mong muốn được tự chủ, tự chủ về đào tạo sẽ đảm bảo tự chủ về tài chính nhưng không được. Các trường phải phục vụ cho mục tiêu được quy định trong Chiến lược phát triển giáo dục quốc gia (10 năm mới xem xét một lần). Phải phục vụ cho mục đích phát triển xã hội chung. Hãy làm theo đúng quy định từ chung đến chi tiết, từ điểm đầu vào, số lượng học sinh, thời gian dạy, nội dung dạy được phê duyệt đến từng tiết học, bài kiểm tra. Và các trường, các thầy cô biến thành các máy tự động cứng nhắc sản xuất các sản phẩm con người. Vui thay!

Tập hợp tất các những chuyện ấy ở tất các các ngành, các cơ sở, doanh nghiệp liên quan đến những nhu cầu thiết yếu của con người, chúng ta nhận rõ, hình như chúng ta chưa xử lý cho khéo, cho khoa học mối quan hệ giữa một nền kinh tế thị trường chuyển động mạnh mẽ, mọi yếu tố đầu vào, đầu ra thay đổi như chớp giật, với nhu cầu không thể thay đổi là đảm bảo an sinh xã hội, ổn định các điều kiện phát triển kinh tế xã hội chung của quốc gia.

Thị trường chuyển động và khung cứng quản lý Nhà nước

Nói cho dễ hiểu, thị trường là nơi hoạt động của các doanh nghiệp, quản lý Nhà nước là đơn vị tạo ra môi trường, tạo ra đại lộ để các doanh nghiệp hoạt động, cạnh tranh, kiếm lợi bằng cách phục vụ người tiêu dùng, nộp thuế cho Nhà nước. Đại lộ đó được tạo ra, được phân ranh giới quy hoạch bằng luật. Quản lý Nhà nước không can thiệp vào tổ chức sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đúng luật và nộp thuế.

Nhà nước đảm bảo môi trường kinh doanh phát triển, mặt khác Nhà nước phải gánh gánh nặng an sinh xã hội, đảm bảo mọi người dân phải có mức sống cao hơn mức tối thiểu. Nguồn lực để Nhà nước đảm bảo các quyền công dân đó là ngân sách, tức là từ thuế và các nguồn thu khác của Nhà nước.

Thị trường trong nước đã thực sự hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và dĩ nhiên với nhiều lý do chủ quan, khách quan, thị trường cũng luôn luôn có những cơn nóng lạnh thất thường. Những nhu cầu xã hội, những điều kiện để ổn định và phát triển kinh tế xã hội cũng thay đổi liên tục, tạo ra những biến động cung cầu, phản ánh rõ nét nhất là biến động về giá. Biến động về giá, biến động cung cầu ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội, đến ổn định và phát triển kinh tế xã hội và Nhà nước dĩ nhiên phải can thiệp. Nhưng can thiệp thế nào trong nền kinh tế thị trường?

Chúng ta thử soi xét trong trường hợp giá xăng dầu, ngõ hầu đạt được một cơ sở để nghĩ đến một giải pháp chăng. Trước hết là ý kiến của các chuyên gia và những người tham gia điều hành giá xăng dầu:

Ông Nguyễn Cẩm Tú (Thứ trưởng Bộ Công Thương) nêu rõ quan điểm của Chính phủ về mục tiêu điều hành giá xăng dầu: phải đảm bảo an ninh năng lượng, chống lạm pháp và bao cấp cho dân.

Ông Vương Đình Huệ (Bộ trưởng Bộ Tài chính) khẳng định xu hướng thị trường hoá giá xăng dầu. Tuy nhiên trong bối cảnh 3 doanh nghiệp chiếm tới 90% thị phần trong đó riêng Petrolimex chiếm tới 60% thì Nhà nước chưa thể thả giá xăng dầu cho doanh nghiệp định giá được. Phải kiên trì điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên lộ trình, liều lượng thích hợp với mục tiêu của Nhà nước và kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trên cơ sở minh bạch về chính sách và minh bạch về thông tin. Chúng ta không thể thiên về một phía là thị trường. Sự sụp đổ tài chính của Mỹ gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu chứng minh sự thất bại thảm hại của mô hình kinh tế hoàn toàn tự do theo trường phái Ăng - lô - xắc - xông. Vì thế, mặc dù không thể quay lại thời kỳ bao cấp như trước đây nhưng chúng ta vẫn phải kiên trì nguyên tắc thị trường nhưng có định hướng, có lộ trình phù hợp.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex thì cho rằng Nghị định 84/2009/CP của Chính phủ từ năm 2009 đã quy định cho phép doanh nghiệp được định giá theo thị trường. Tuy nhiên từ đó tới nay chưa bao giờ doanh nghiệp được thực hiện quyền này cả. Với cách điều hành hiện tại tuy lỗ ít nhưng khan hàng (nghĩa là không thực hiện được mục tiêu an ninh năng lượng).

Ông Trương Đình Tuyển (Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại): Nhiều người hiểu về giá thị trường không đúng. Nói đưa giá xăng dầu theo giá thị trường là không chuẩn mực trong bối cảnh hiện nay. Giá thị trường là hình thành trên cơ sở cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và xác lập nên giá, do đó có tác dụng kiềm giữ giá. Trong khi ta hiện nay chỉ có 3 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chiếm đến 90% thị trường thế thì làm thế nào mà thị trường được? Chính vì đặt vấn đề không đúng nên mới dẫn đến lủng củng, ở chỗ doanh nghiệp đòi theo giá thị trường còn Nhà nước thì can thiệp việc đó.

Ông Cao Văn Thân (Giám đốc điều hành Công ty xăng dầu Quân đội): Doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp công ích nên khi thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo chỉ đạo, doanh nghiệp phải có cơ chế tài chính xử lý các vấn dề phát sinh (như lỗ) một cách rõ ràng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (Cục phó Cục Quản lý giá Bộ Tài chính): Chúng tôi nghi ngờ trong các số liệu báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong đó có khoản hoa hồng cho người mua. Việc thanh tra sẽ làm rõ các khoản tiền trong kinh doanh xăng dầu.

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Hiền đánh giá Nghị định 84 là một cột mốc quan trọng trong tiến trình tự do hoá giá cả những mặt hàng được cho là “nhạy cảm”. Chủ trương giao cho doanh nghiệp định giá xăng dầu là thể hiện quyết tâm của Chính phủ hoàn thiện cơ chế thị trường. Tuy nhiên, sau đó khi giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động mạnh thì giá nội địa lại “bình ổn” bằng các biện pháp hành chính khiến giá xăng dầu không được điều chỉnh linh hoạt theo thị trường thế giới. Trong lĩnh vực quản lý xăng dầu, nếu duy trì cách điều hành hiện nay là Nhà nước quyết định thay doanh nghiệp thì cơ quan quản lý luôn phải chạy theo họ, sa vào mớ bòng bong kinh doanh lỗ, lãi còn thì giờ đâu mà xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách, thanh tra, kiểm tra, nguồn tài chính cũng bị phân tán.

Và còn nhiều ý kiến nữa, nhưng trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không thể đưa hết được. Tuy nhiên qua các ý kiến, chúng ta thấy rõ những mâu thuẫn cần được giải quyết trong việc điều hành giá theo cơ chế thị trường, đặc biệt là xăng dầu.

Mặc dù theo quy định của WTO, theo xu hướng thị trường hoá nền kinh tế từ năm 2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2009/ND-CP khẳng định thị trường hoá kinh doanh xăng dầu có sự quản lý Nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp được quyết định giá bán lẻ, nhưng sau gần hai năm Nghị định này vẫn chưa được thực hiện.

Trên thực tế giá xăng dầu được phân quyền giữa các đơn vị chủ quản và một số đầu mối nhập khẩu độc quyền. Cơ quan quản lý Nhà nước thoả hiệp với các doanh nghiệp độc quyền xác định giá cơ sở bao gồm: giá thị trường thế giới từng thời điểm, lấy thị trường Singapore làm tiêu chuẩn, cộng chi phí kinh doanh 600 đồng/lít, lãi doanh nghiệp 300 đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10%. Các doanh nghiệp được quyền điều chỉnh 5% trên dưới giá cơ sở. Tuy nhiên phải được Bộ Tài chính đồng ý. Nghĩa là có đủ các cơ chế, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là Bộ Tài chính và các cơ chế chỉ để kiểm tra.

Trong cuộc tranh luận vừa qua, chênh lệch trong việc tính lỗ lãi của các doanh nghiệp xăng dầu đã cho thấy việc tính giá cơ sở cũng không phản ánh được thực trạng kinh doanh.

Ngay ông Nguyễn Anh Tuấn (Cục phó Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) cũng phải thừa nhận: “Giá tham chiếu là giá xăng dầu trên thị trường Singapore mà chúng ta dựa vào để tính toán điều hành, thì giá đó cũng không phải giá giao dịch thực, không thể khẳng định có đúng doanh nghiệp mua giá đó hay không.”

Rõ ràng, cơ chế điều hành giá xăng dầu vừa qua là vừa không chuẩn, vừa không hiệu quả. Và bây giờ chúng ta chỉ mới giải quyết một việc: Bộ Tài chính điều hành giá, các doanh nghiệp nói giá đó lỗ, Bộ Tài chính kiểm tra xác định có lỗ hay không. Và cái cảm giác từ lúc đầu khi quan tâm tới cuộc tranh luận này càng ngày càng rõ hơn: người ta đang bàn đến trách nhiệm, đến ai phải chịu trách nhiệm, chưa bàn đến lối ra cho mớ bòng bong này.

Xác định nút thắt, và mở nó ra 

Lại phải quay lại những khái niệm về thị trường. Trong trường hợp này, chúng ta thấy ý kiến của ông Trương Đình Tuyển là hợp lý. Chúng ta chưa có thị trường cạnh tranh xăng dầu nội địa, vậy làm sao xác định giá thị trường để điều hành? Ba doanh nghiệp chiếm 90% thị phần thì giá của họ, theo hoạt động của họ, là giá thị trường? Hoàn toàn không. Vậy trở lại mục tiêu của Chính phủ: giá xăng dầu phải đảm bảo an ninh năng lượng, chống lạm phát và bao cấp cho dân. Vậy giá này có thể gọi là giá đảm bảo (cho nền kinh tế), thưc hiện được mục tiêu của Chính phủ , sẽ là giá xăng dầu từng thời điểm của quản lý Nhà nước . Quan điểm này hợp lý nhất. Để giá đảm bảo phù hợp không chỉ mục tiêu của Chính phủ mà còn phù hợp với năng lực của cả Chính phủ và xã hội chấp nhận, phải cân đối với phần ngân sách có thể chi ra, năng lực thực hiện trong thực tiễn, thu nhập của người lao động, tỷ lệ lạm phát... Phải xác định rằng Bộ Tài chính là đơn vị phải có trách nhiệm xác định giá đảm bảo này.

Dĩ nhiên không thể dừng ở việc xác định giá bởi vì các doanh nghiệp kinh doanh không thể căn cứ vào giá Bộ Tài chính để kinh doanh mà phải căn cứ vào giá mua cộng với chi phí để có giá bán. Vậy ai được mua và được bán theo giá đảm bảo?

Theo chúng tôi cần có một doanh nghiệp công ích thực hiện nhiệm vụ đưa giá đảm bảo này ra thị trường. Doanh nghiệp này phải đủ năng lực phục vụ các nhu cầu của nền kinh tế, có hệ thống phân phối lớn, khả năng nhập khẩu, dự trữ đủ lớn đủ sức khống chế thị trường và là nhà buôn lớn nhất trong lĩnh vực xăng dầu nội địa và đương nhiên doanh nghiệp này phải thuộc sở hữu Nhà nước và được Nhà nước bao cấp.

Đối chiếu với các tiêu chuẩn này Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hoàn toàn có thể đáp ứng được. Ngoài doanh nghiệp công ích này, các doanh nghiệp khác được kinh doanh tự do, tự xác định giá, tự chịu trách nhiệm với hiệu quả kinh doanh và trách nhiệm xã hội chỉ còn là trách nhiệm đạo đức, không phải chế tài luật pháp. Với cơ chế thị trường như vậy việc điều hành giá đảm bảo sẽ không ngăn cản việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp xăng dầu và thị trường xăng dầu trong tương lai.

Doanh nghiệp công ích này sẽ được cấp vốn, bao cấp lỗ lãi, đầu tư xây dựng các kho dự trữ không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng mà còn đảm bảo ổn định thị trường, thậm chí có thể tham gia thị trường thế giới với cơ chế mua rẻ, bán đắt... nhằm mục tiêu giảm thiểu phần chi ngân sách cho ổn định giá xăng dầu nội địa. Khi các doanh nghiệp ngoài thị trường đủ lớn và nền kinh tế xã hội phát triển đến một mức nào đó, các doanh nghiệp cạnh tranh được với doanh nghiệp công ích, chức năng công ích sẽ biến mất, chỉ còn vai trò của một doanh nghiệp Nhà nước hỗ trợ cho quản lý Nhà nước về thị trường xăng dầu. Thêm một ý nữa, đương nhiên doanh nghiệp công ích này sẽ do Bộ Tài chính quản lý.

 Theo chúng tôi mô hình này khả dĩ có thể giải quyết được những rối loạn hiện nay trong việc điều hành giá xăng dầu. Nhà nước không can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về lỗ lãi của các doanh nghiệp thậm chí không phải “chịu ơn” các doanh nghiệp trong việc đảm bảo ổn định giá xăng dầu, khỏi phải nghe kể công, đòi hỏi hỗ trợ... thậm chí bỏ luôn cả khoản bình ổn giá xăng dầu. Tóm lại giảm được nhiều thứ.

Cũng có một quan điểm lập một doanh nghiệp công ích lớn vào thời điểm này có đi ngược lại các chủ trương cổ phần hoá, thị trường hóa nền kinh tế không? Theo chúng tôi là không. Ngay trong chủ trương cổ phần hóa, Chính phủ cũng vẫn giữ một số doanh nghiệp Nhà nước như những quả đấm thép để đảm bảo cơ chế điều hành của Chính phủ vậy, lập một doanh nghiệp công ích thuộc sở hữu Nhà nước để cởi trói cho hàng chục hàng trăm doanh nghiệp khác là cơ hội cho sự phát triển của thị trường. Cũng có ý kiến việc lập doanh nghiệp công ích lớn đóng vai trò chỉ đạo trong thị trường xăng dầu sẽ khó quản lý, dễ sinh ra tiêu cực. Tất nhiên là khó quản lý nhưng khó không có nghĩa là không thể. Đừng lấy khó làm để không làm, không quản lý được là bỏ, là cấm.

Chúng ta đã có Nhà máy lọc dầu Dung Quất, chúng ta đã có một đội ngũ những người làm kinh doanh xăng dầu đều có kinh nghiệm trên thương trường quốc tế, Petrolimex có vị trí độc quyền một cách tự nhiên, với 11 đầu mối và hệ thống phân phối tại 63 tỉnh thành có khả năng đưa xăng dầu đến tất cả các địa chỉ có nhu cầu. Không có lẽ nào không đảm bảo được các mục tiêu của Chính phủ với chi phí ngân sách thấp nhất và tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường xăng dầu nội địa tương lai. Chúng ta có quyền hy vọng.