Thị trường vàng “nóng hầm hập”, Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã nhận được hàng loạt kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh, thành phố, liên quan đến vấn đề quản lý thị trường vàng.

Đồng bộ các giải pháp quản lý thị trường vàng

Trong đó, cử tri kiến nghị Chính phủ giao NHNN Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp bình ổn thị trường vàng trong nước.

Trả lời các vấn đề trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và các văn bản chỉ đạo về thị trường vàng.

Thực hiện chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, NHNN đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, NHNN đã chỉ đạo NHNN các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương.

Yêu cầu các TCTD, các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Đề nghị Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi… gây mất ổn định thị trường vàng.

Đặc biệt, NHNN đã tổ chức đấu thầu bán vàng miếng và bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC để bán cho người dân có nhu cầu.

Phối hợp với các bộ ngành (đặc biệt là Bộ Công an) và chính quyền các địa phương để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả của các phương án can thiệp.

“Với những giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể, thị trường vàng cơ bản được ổn định” – NHNN cho biết.

NHNN cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp để ổn định thị trường vàng

NHNN cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp để ổn định thị trường vàng

Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm

Về vấn đề thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng, NHNN cho biết đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường vàng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng;

Rà soát, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh vàng trái phép.

“Hoạt động thanh tra, kiểm tra của NHNN trong thời gian qua đều tuân thủ quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, đảm bảo minh bạch, không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp” – NHNN cho hay.

NHNN đã công bố Quyết định thanh tra số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17/5/2024 thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với 6 TCTD và doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vàng miếng (chiếm hơn 92% thị phần kinh doanh vàng miếng).

Đoàn thanh tra có đại diện của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương (Tổng cục Quản lý thị trường) và Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế).

Nội dung thanh tra bao gồm: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng, việc chấp hành quy định về phòng, chống rửa tiền, về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ, về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Đoàn thanh tra liên ngành tập trung thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý vi phạm và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Sau khi có kết quả thanh tra, NHNN sẽ phối hợp công bố các hành vi vi phạm và biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Thực hiện nghiêm quy định về xuất xứ hàng hóa, hóa đơn, chứng từ

Cũng theo cử tri, hiện nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng là chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, cử tri kiến nghị cho phép doanh nghiệp tự kê khai lại hàng hóa tồn kho, theo một thời điểm mà Nhà nước quy định. Bảng kê khai này được coi là căn cứ xác định nguồn gốc số vàng hiện có. Sau thời điểm đó, mọi hàng hóa nhập vào, xuất ra, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đúng/đủ các quy định về quản lý liên quan.

Từ đó, tháo gỡ được khó khăn vướng mắc hiện nay cho doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý; Nhà nước có thể biết được cụ thể lượng vàng mà các doanh nghiệp đang quản lý. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ trong công tác quản lý nhà nước về tiền tệ và điều hành kinh tế vĩ mô.

Trả lời kiến nghị trên, NHNN cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm quy định và hướng dẫn thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Theo đó, khi thành lập, doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu trách nhiệm kê khai về vốn khi thành lập theo quy định. Ngoài ra, Nghị định 24 quy định, doanh nghiệp kinh doanh vàng phải chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ, do Bộ Tài chính hướng dẫn.

Quy định về kê khai vốn, lập, sử dụng hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc vàng của doanh nghiệp nhằm mục tiêu tránh gian lận, hợp thức hóa nguồn vàng không chính thức. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện các quy định nói trên.

NHNN cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, NHNN đã và đang tổng kết việc thi hành Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn được triển khai theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn.

Trong quá trình xây dựng quy phạm pháp luật về quản lý thị trường vàng, NHNN sẽ thực hiện lấy ý kiến rộng rãi từ các Bộ, ngành chức năng, các đối tượng chịu tác động của chính sách, các chuyên gia, nhà nghiên cứu,…; công bố thông tin và đề xuất hiệu lực thi hành để việc đưa quy phạm pháp luật vào thực tiễn được triển khai có hiệu quả, thuận tiện, tạo được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.