Thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, doanh nghiệp cần làm gì để thoát cảnh hàng hóa ùn ứ ở biên giới?

ANTD.VN - Với vị trí và khoảng cách địa lý thuận lợi, từ lâu, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, luôn đạt kim ngạch hàng tỷ USD. Trung Quốc cũng là một trong những thị trường nhập khẩu hàng nông sản lớn trên thế giới.

Cần nâng cao chất lượng rau quả xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường

Được đánh giá là thị trường tiềm năng nhưng nhiều năm gần đây, nhiều loại nông sản của Việt Nam lâm cảnh "được mùa mất giá", bị ép giá hoặc phải đổ bỏ khối lượng lớn ở khu vực biên giới Việt- Trung. Các mặt hàng dễ bị ùn ứ do phía Trung Quốc "chê" không nhập khẩu là: dưa hấu, thanh long, vải thiều... 

Một trong những lý do khiến tình trạng này tái diễn nhiều năm là vì phía Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa tiêu dùng. Thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 2-2019 giảm 32,46% so với tháng 1-2019, tương ứng với 1,8 triệu USD và giảm 5,68% so với tháng 2-2018.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất sang Trung Quốc với 4,7 tỷ USD, giảm 16,86% so với cùng kỳ.

Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu các mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng rau quả, xơ sợi dệt… Tuy nhiên trong hai tháng đầu năm nay, nhóm hàng có kim ngạch cao là máy vi tính sản phẩm điện tử và rau quả đều sụt giảm kim ngạch.

Trong đó, mặt hàng rau quả giảm 14,74% tương ứng với 428 triệu USD, riêng tháng 2-2019 cũng chỉ đạt 171,23 triệu USD, giảm 33,52% so với tháng 1-2019 và giảm 17,26% so với tháng 2-2018.

Theo Trung tâm thông tin Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương), Trung Quốc là thị trường rất lớn về nhập khẩu nông sản trên thế giới. Thị trường này đang có những thay đổi quan trọng cả về các quy định đối với nông sản nhập khẩu lẫn xu hướng tiêu dùng.

Hiện Việt Nam có 8 loại trái cây được phép xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, chuối, vải, nhãn, xoài, mít và chôm chôm.

"Trái cây Việt Nam có nhiều chủng loại, giá cả hợp lý, ngon và rất được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng. Do đó, còn nhiều tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong 10 năm tới, dự báo tốc độ tăng trưởng nhu cầu rau quả của Trung Quốc sẽ chững lại, nhưng yêu cầu về chất lượng lại được nâng lên. Giá cả sẽ có mức dao động lớn hơn, các loại quả sẽ phải đáp ứng yêu cầu về phẩm chất ngày càng cao hơn"- Trung tâm thông tin thương mại và Công nghiệp cho hay.

Vì vậy, để tăng cường xuất khẩu rau quả vào thị trường này, tránh cảnh "được mùa mất giá", các doanh nghiệp Việt Nam cần cung cấp các sản phẩm ổn định, chất lượng cao; Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc tương ứng;

Bên cạnh đó, phương thức giao dịch thanh toán linh hoạt, thống nhất an toàn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chuỗi thương mại tại Trung Quốc, đặc biệt là tận dụng nguồn tài nguyên mạng rất phong phú và hiệu quả của Trung Quốc để xây dựng 1 sàn giao dịch thương mại điện tử thống nhất.

"Ngoài ra, cũng cần tăng cường quảng bá, tiêu thụ trên các trang mạng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Alibaba, Taobao… để tiếp cận khách hàng Trung Quốc dễ dàng hơn" - đại diện Bộ Công Thương nói.