Thị trường trái phiếu doanh nghiệp liệu đã “hạ cánh mềm”?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, khả năng vỡ nợ là không còn, nhưng “điểm rơi” nợ trái phiếu đã chuyển sang khoảng giữa năm tới. Điều này cần những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ.

Khó xảy ra vỡ nợ trái phiếu

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 8/2024, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 212.512 tỷ đồng, với 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỷ đồng (chiếm 10,7% tổng giá trị phát hành) và 195 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 189.739 tỷ đồng (chiếm 89,3% tổng số).

Cùng với đó, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn đạt 111.910 tỷ đồng, giảm 27,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 7/2024, về quy mô thị trường, giá trị trái phiếu doanh nghiệp niêm yết đạt khoảng 773.000 tỷ đồng, với 1.043 mã trái phiếu của 264 tổ chức phát hành được ghi nhận trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp của Sở GDCK Hà Nội.

Trên thị trường sơ cấp, giá trị phát hành thành công trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 174.000 tỷ đồng, tăng hơn 2,78 lần so với cùng kỳ năm 2023 trong đó giá trị phát hành riêng lẻ chiếm 87% và giá trị phát hành ra công chúng chiếm 13%.

Trên thị trường thứ cấp, theo số liệu báo cáo giao dịch của Sở GDCK Hà Nội, tính đến hết tháng 7/2024, tổng giá trị giao dịch đạt gần 576 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi phiên đạt khoảng 4 nghìn tỷ đồng/phiên.

Như vậy, có thể thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ấm lên rõ rệt, đặc biệt là sau khi Nghị định 08 của Chính phủ ra đời đã tháo gỡ một số khó khăn cho doanh nghiệp như cho phép doanh nghiệp đàm phán, gia hạn nợ trái phiếu, hoãn các điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm.

Thị trường trái phiếu đang dần khởi sắc

Thị trường trái phiếu đang dần khởi sắc

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, câu chuyện đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản có thể nói đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất (tháng 6 - 8/2023) từ sau khi có Nghị định 08.

Ông Lực cho biết, năm nay thị trường trái phiếu có 213.000 tỷ đáo hạn, riêng bất động sản chiếm 37%, tương đương khoảng 70.000 tỷ đồng.

Về cơ bản, 60% doanh nghiệp đã gia hạn được 2 năm (điểm rơi tháng 6/2025), doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và bắt đầu phát hành trở lại giảm áp lực vốn. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên, doanh nghiệp sẵn sàng bán tài sản để trích ra một phần trả nợ.

Do vậy, vị chuyên gia cho rằng hiện tượng vỡ nợ ít khả năng xảy ra vì khó khăn nhất đã qua, có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết. Thực tế thì doanh nghiệp bất động sản không cần chiết khấu sản phẩm 40 - 50% như thời gian trước, chiết khấu khoảng 10% đã bán được rồi.

Gỡ vướng pháp lý để giải quyết “điểm rơi” nợ trái phiếu

Dù vậy, nhiều ý kiến lo ngại việc Nghị định 08 đã hết hiệu lực từ đầu năm nay, những khó khăn của thị trường trái phiếu có thể quay lại thời kỳ khó khăn khi “điểm rơi” về gia hạn nợ trái phiếu có thể rơi vào giữa năm 2025.

Theo bà Trần Kim Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, UBCKNN, Nghị định 08 đã hết hiệu lực, vì vậy thời điểm Chính phủ nới lỏng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang tạm thời bị gác lại. Còn việc sửa đổi Nghị định 65 có cởi mở tiếp tục cho việc đàm phán hay không thì còn phải chờ ý kiến của Bộ Tài chính.

Còn theo ông Phạm Văn Hiếu, Phó trưởng phòng Thị trường tài chính, Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính thì Bộ Tài chính đã có báo cáo đến Chính phủ về tình hình thực hiện. Hiện nay, theo quan điểm Chính phủ, một số điều ngưng, hết hiệu lực tại Nghị định 08 sẽ bắt đầu thực hiện theo Nghị định 65 từ 1/1/2024 (tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm).

Còn 2 điều sửa đổi tại Nghị định 08 sẽ tiếp tục thực hiện theo tinh thần của Nghị định (gia hạn nợ, thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác). Về nghiên cứu sửa đổi Nghị định 65, Bộ Tài chính đang rà soát, sửa đổi một số điều Luật Chứng khoán. Sau đó, bám sát Luật Chứng khoán để có sửa đổi Nghị định 65.

Như vậy có nghĩa, doanh nghiệp vẫn có thể đàm phán giãn hoãn nợ trái phiếu với các trái chủ theo tinh thần Nghị định 08. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings, việc gia hạn Nghị định 08 lại không phải là vấn đề lớn. Vấn đề lớn hơn là nợ quá hạn rất lớn trong năm 2024-2025.

Cách chúng ta có thể làm là liên quan đến đề án của Chính phủ về tháo gỡ pháp lý bất động sản, khi tháo gỡ được vấn đề này thì việc xử lý nợ quá hạn rất dễ.

“Cần lưu ý rằng, nguồn tiền lớn nhất không phải vay ngân hàng hay trái phiếu mà là tiền nhận từ khách hàng, điều này nói lên rằng việc hỗ trợ xung quanh cũng rất quan trọng, không nên chỉ tập trung vào giải cứu trái phiếu, biện pháp xung quanh quan trọng hơn nhiều, đó là "sạch" pháp lý” – ông Thuân nói.