Thị trường tiền mới "sôi sùng sục" dịp cận Tết

ANTD.VN - Nhu cầu đổi các loại tiền mới hay tiền “độc” để mừng tuổi dịp năm mới đã khiến thị trường này “đến hẹn” lại sôi sùng sục.

Tại các phòng giao dịch, khi khách hàng có nhu cầu đổi tiền mới nguyên seri hầu hết đều nhận được cái lắc đầu. Theo như nhân viên một phòng giao dịch ngân hàng trên phố Trần Hưng Đạo thì ngân hàng không có chủ trương đổi tiền mới cho khách vãng lai.

“Chỉ có một số cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp là khách VIP của ngân hàng nếu có yêu cầu thì phòng giao dịch mới đề xuất lãnh đạo ngân hàng phê duyệt. Ngay cả nhân viên ngân hàng cũng chỉ được đổi với hạn mức nhất định, thường là không đủ để phân phát cho người thân” – nhân viên này nói và cho biết hầu như năm nào các nhân viên ngân hàng cũng chịu “áp lực” đổi tiền mới do người thân, bạn bè nhờ.

Trong khi đó, trên thị trường “chợ đen” tiền mới hiện đang rất sôi động, nguồn cung khá dồi dào. Những năm gần đây, hoạt động đổi tiền lẻ đã “lui” về hoạt động trên internet nhiều hơn là tại các cổng đền, chùa, chợ.

Nhu cầu đổi tiền mới năm nào cũng rất lớn

Không chỉ đổi tiền mới, những năm gần đây, xu hướng mừng tuổi bằng tiền lưu niệm đã khiến các loại tiền lưu niệm nước ngoài ngày càng đa dạng tại thị trường Việt Nam. Bộ Tài chính Mỹ năm nay đã phát hành đồng tiền 2 USD in hình con chó mạ vàng nhằm phục vụ nhu cầu mừng tuổi Tết Âm lịch 2018 tại khu vực châu Á.

Trên các trang mạng, một bộ lì xì bao gồm: 1 bao da, 1 giấy chứng nhận hàng Mỹ, 1 bao mừng tuổi có mức giá lên tới 400 – 500 nghìn đồng. Với các tờ có số seri đẹp, mức giá còn cao hơn.

Không chỉ Mỹ, nhiều nước khác cũng phát hành tiền giấy hoặc tiền xu in hình chú chó để phục vụ nhu cầu mừng tuổi ở các nước châu Á như: Tiền hình chú chó Kamberra 2018 (Australia) có giá 100.000 đồng/tờ; tiền hình chú chó Macao giá khoảng 20.000 đồng/tờ; tiền hình chú chó Belarus giá khoảng 25.000 đồng/tờ; bộ tiền tứ linh có giá 150.000 đồng/bộ…

Trả lời câu hỏi về việc quản lý dịch vụ đổi tiền mới mỗi dịp Tết, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng việc đổi tiền thu phí là không hợp pháp là vi phạm quy định của Nhà nước, trong đó Nghị định 96 đã quy định rõ xử phạt.

Về vấn đề nhu cầu đổi tiền mới dịp Tết ngày càng cao, gây áp lực lên các nhân viên ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng cũng cần nghiên cứu về văn hóa này và cần sự chung tay của các Bộ ngành để tuyên truyền đến người dân.

“Truyền thống mừng tuổi rất đẹp, nhưng có nhất thiết phải mừng tuổi tiền mới không thì có lẽ cũng phải nghiên cứu. Còn năm nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn phát hành tiền này” – Phó Thống đốc cho biết.