Thị trường sữa nhập nhèm, người tiêu dùng lẫn lộn

ANTĐ - Sữa dạng lỏng hiện được phân thành 7 loại, trong đó có đến 5 loại “sữa tiệt trùng” và không hề có loại sữa hoàn nguyên. Thực tế này khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”, dễ nhầm tưởng rằng tất cả các loại sữa dạng lỏng đều là… sữa tươi. 

Thị trường sữa nhập nhèm, người tiêu dùng lẫn lộn ảnh 1

Minh bạch thị trường sữa dạng lỏng để bảo vệ người tiêu dùng - (Ảnh minh họa)

Người trong nghề cũng khó phân biệt

Hiện nay, việc phân loại sữa dạng lỏng được áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành năm 2010, với 7 loại là: sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật. Trong số này, khái niệm “sữa tiệt trùng” vẫn được nhiều người hiểu nhầm là sữa tươi.

Trên thực tế, theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTTN), sữa tươi nguyên liệu được sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, số còn lại phải nhập khẩu sữa bột. Do thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột về để pha thành sữa nước, còn gọi là sữa hoàn nguyên và đánh tráo khái niệm, bán nhập nhèm dưới dạng sữa tươi.

Bản thân khái niệm “sữa tươi tiệt trùng” cũng không rõ ràng, không giúp phân biệt sữa tươi nguyên chất với sữa tươi đã qua thanh trùng, tiệt trùng. “Tôi là người nhiều năm gắn bó với sản phẩm sữa mà khi ra thị trường sữa vẫn như lạc vào ma trận” – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phân tích, lâu nay, tại thị trường Việt Nam, sữa hoàn nguyên vẫn ghi nhãn là sữa tiệt trùng theo đúng quy chuẩn năm 2010 khiến người tiêu dùng tưởng đó là sữa tươi trong khi bản chất, tác dụng, giá trị dinh dưỡng của từng loại sữa khác nhau hoàn toàn, giá cả cũng khác nhau một trời một vực. “Do vậy, phân loại thế nào, gọi tên ra sao để phản ánh đúng bản chất của mặt hàng đó là rất cần thiết, không để người tiêu dùng hiểu sai về bản chất, công dụng của hàng hóa” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Sửa quy chuẩn để bảo vệ người tiêu dùng

Trước thực trạng trên, sáng 13-4, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCQG) 5-1:2010/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh, yêu cầu đầu tiên khi sửa đổi quy chuẩn là phải minh bạch để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đưa ra các quy chuẩn mới phải phù hợp với thực tiễn điều kiện sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh thị trường sữa ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập. 

Theo dự thảo Quy chuẩn mới, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi định nghĩa của nhóm sữa tươi và sữa tiệt trùng, trong đó phân loại khái niệm sữa thành 5 tên gọi khác nhau gồm: sữa tươi nguyên chất, sữa tươi, sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Trong quy chuẩn 2010 chỉ quy định chung là “sữa tiệt trùng” thì ở dự thảo quy chuẩn mới sẽ phân rõ nhóm “sữa tiệt trùng” thành 3 loại là: sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Góp ý tại hội thảo, việc phân nhóm như trên được các doanh nghiệp sữa trong nước tán thành. 

Đa số ý kiến cho rằng, phân loại như vậy sẽ giúp thị trường sữa được minh bạch hơn, giúp người tiêu dùng hiểu được bản chất thực của từng loại sữa chứ không còn tình trạng nhập nhèm. 

Phân biệt sữa tươi và sữa hoàn nguyên
Sữa tươi là sữa ở dạng nguyên liệu thô và chưa được đưa qua xử lý triệt để vi khuẩn, mầm bệnh ẩn chứa trong đó. Sữa tươi tiệt trùng và sữa tươi thanh trùng có được từ việc áp dụng công nghệ tiệt trùng hoặc thanh trùng để loại trừ hết vi khuẩn có hại trong sữa tươi nguyên liệu.
Sữa hoàn nguyên là sữa có được khi pha nước với sữa bột gầy, ngoài ra có thể được nhà sản xuất đưa thêm các vitamin, khoáng chất khác vào để tăng thêm hàm lượng dinh dưỡng.