Thị trường "sốc" nặng khi giá xăng bất ngờ tăng cao

ANTĐ -Vào lúc 20h ngày 28-3, giá xăng dầu đã bất ngờ tăng thêm 1.430 đồng/lít, đạt mức kỷ lục 24.580 đồng. Đây là mức tăng giá khiến nhiều người “sốc”, nhất là khi trước đó, rất nhiều thông tin cho rằng giá xăng dầu sẽ giảm do giá bán xăng dầu quốc tế giảm thời gian qua. 

Thị trường "sốc" nặng khi giá xăng bất ngờ tăng cao ảnh 1
Nhiều người dân bức xúc khi giá xăng bất ngờ tăng 1.400 đồng/lít

Giá cả bắt đầu leo thang

Giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá cả mọi mặt hàng tăng là lo ngại của rất nhiều người dân sau khi giá xăng dầu trong nước tăng đột biến. Thực tế ở nước ta, cứ mỗi khi giá điện, giá xăng dầu tăng, mọi mặt hàng đều mượn cớ tăng giá, và đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất chính là người dân. Dạo quanh một vòng khu vực phố Kim Liên, quận Đống Đa, mặt hàng thực phẩm đã bắt đầu tăng giá.

Anh Nguyễn Văn Nam (bán thịt lợn tại chợ A2, quận Đống Đa) vừa bán hàng, vừa nhanh nhảu nói: “Giá xăng tăng rồi, chi phí vận chuyển đắt đỏ nên chúng tôi cũng phải tăng giá bán thịt lên một chút thì mới có lãi chứ”. Còn chị Trần Thu Hương, ở phố Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa thì bức xúc: “Nếu giá xăng tăng mà giá cả thị trường nói chung không tăng, thì không đáng lo ngại nhiều lắm, nhưng thực tế mỗi lần giá xăng tăng là kéo theo các mặt hàng đều tăng, mà giới kinh doanh ở Việt Nam có đặc điểm là đã “tăng” thì không bao giờ “hạ”, ngay cả khi Nhà nước trợ giá”.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, ở phố Kim Liên, quận Đống Đa nói: “Đợt xăng tăng đợt này bất ngờ quá, hơn nữa là tăng 1400 đồng quá sức so với người lao động bình thường. Đấy rồi xem, hàng hóa lại tăng ầm ầm. Nhà nước phải xem chính sách thế nào chứ thế này thì người lao động rất là vất vả”.

Nguy cơ gia tăng lạm phát

Còn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải, chi phí xăng dầu chiếm tới 40-50% giá thành sản xuất. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải phải kìm hãm việc tăng giá do lượng khách suy giảm. Chính vì vậy, việc tăng giá xăng dầu bị xem như 1 đòn giáng mạnh vào nỗ lực của các doanh nghiệp trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện tại.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: “Hiện nay có những doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, ví dụ như 1 tháng hợp đồng chạy 30 chuyến thì hiện nay chỉ chạy 20 chuyến thôi, mà chạy 20 chuyến là chết! Bởi vì sao? Hợp đồng ký với bến xe là 25 chuyến thì anh phải nộp đủ 25 chuyến. Xe không chạy, không vào bến cũng phải đóng”.

Trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2013, Chính phủ đã khẳng định việc kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số. Nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (chuyên gia kinh tế), mục tiêu này sẽ trở nên khó thực hiện hơn bởi giá xăng dầu tăng mạnh sẽ kéo theo giá cả thị trường và nguy cơ gia tăng lạm phát.

Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng văn phòng luật sư Phúc Thọ chia sẻ: “Khi giá xăng thế giới tăng thì doanh nghiệp không tăng ngay, khi doanh nghiệp giảm xuống được 500 đồng/1lít, chỉ sau vài tháng thì bất ngờ tăng 1.400/lít, khiến cho cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn vì hệ lụy giá cả thị trường leo thang. Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn miệng kêu bị “lỗ”, nhưng thực tế vấn đề này chưa được kiểm chứng, chưa có đoàn thanh tra liên ngành nào kiểm tra đầu vào của xăng dầu tại Việt Nam thời gian qua.

Có rất nhiều những băn khoăn trong việc tăng giá xăng dầu ngày 28-3, đó là những băn khoăn về việc sử dụng quĩ bình ổn xăng dầu thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, xung quanh lí do tăng giá xăng dầu để giảm buôn lậu, nhiều người cho rằng đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng và nhà quản lý. Không thể vì sự yếu kém trong công tác quản lý khiến cho người dân gánh chịu thiệt hại.