Thị trường phân bón vẫn loạn

ANTD.VN - Thị trường phân bón trong nước hiện có tới 9.000 sản phẩm và 800 doanh nghiệp tham gia. Tình trạng “trăm hoa đua nở” khiến cơ quan chức năng kiểm soát không xuể và hậu quả là nhiều nông dân mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Việc lựa chọn phân bón trở nên khó khăn khi có quá nhiều hãng sản xuất

Thiệt hại 2,6 tỷ USD do phân bón giả

Hiệp hội Phân bón Việt Nam thông tin, ngành sản xuất phân bón trong nước hiện có tới 800 doanh nghiệp, sản xuất các loại phân urê, phân lân, phân hỗn hợp NPK… đáp ứng cơ bản 80% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Cùng với hơn 4 triệu tấn sản phẩm nhập khẩu mỗi năm, trị giá 1,42 tỷ USD và khoảng 9.000 sản phẩm đang lưu hành, việc quản lý thị trường phân bón đang khiến các cơ quan chức năng đau đầu.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, đa số các đơn vị sản xuất phân bón bằng “công nghệ cuốc xẻng”, xe trộn bê tông và không có phòng thí nghiệm. Thực tế này dẫn đến tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành.

Đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), một trong những đầu mối quản lý Nhà nước về phân bón thừa nhận, thị trường phân bón trong nước quá phức tạp, phân bón giả, kém chất lượng, bao bì nhãn mác mập mờ đang làm méo mó và gây khó cho quản lý thị trường. 

Theo tính toán, nền kinh tế thiệt hại mỗi năm khoảng 60.000 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra. Điều đáng lo ngại là rất nhiều sản phẩm trong số 9.000 loại phân bón đang có mặt trên thị trường không đạt chất lượng như đăng ký với cơ quan chức năng. Mặc dù các đơn vị đăng ký sản xuất phân bón đều cam kết hàm lượng NPK là 53%, nhưng khi kiểm tra, hầu hết hàm lượng NPK trong mẫu đều chưa tới 10%, còn lại đều là... bột đá vôi.

Trung bình mỗi năm, cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt khoảng 4.000 vụ. Riêng 8 tháng năm 2016, lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.800 hộ kinh doanh phân bón; phát hiện 421 hộ kinh doanh vi phạm, xử phạt 8 tỷ đồng. Trong số 786 mẫu phân bón được mang đi kiểm nghiệm, chỉ có 69% mẫu đạt chất lượng.

Đáng nói, dù mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhưng người nông dân cũng không hay biết bởi phân bón cho cây không có tác dụng ngay ngập tức. 

Nên rút gọn 9.000 loại về 100

Thực tế hiện nay, giữa ma trận hàng nghìn loại phân bón, ngay cả chuyên gia cũng khó nhận diện, chưa nói đến bà con nông dân. Ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền dẫn chứng, bà con nông dân thường theo thói quen chọn mua phân NPK nhưng một số loại ghi trên bao bì như vậy song bên trong lại không có lân.

Một số loại phân ghi bao bì xuất xứ Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ… để dễ bán, lừa nông dân nhưng thực ra nguyên liệu nhập từ Trung Quốc…. “Việc kiểm định chất lượng phân bón hiện cũng có nhiều bất cập. Lấy mẫu đi kiểm tra một tuần sau mới có kết quả, khi đó thì sản phẩm đã tiêu thụ hết. Chưa kể khi mang một mẫu đi giám định ở nhiều nơi lại cho ra các kết quả khác nhau, có thể do cán bộ lấy mẫu không có đủ thời gian và kinh nghiệm”, ông Lê Quốc Phong  cho biết.

Công tác quản lý thị trường phân bón của các cơ quan chức năng cũng còn rất nhiều tồn tại. Theo ông Lê Quốc Phong, Nghị định 202/2013/NĐ-CP (Nghị định 202) về quản lý phân bón (có hiệu lực từ tháng 2-2014) còn rất chung chung.

Theo đó, Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ, Bộ NN&PTNT quản lý phân bón hữu cơ và “phân bón khác” do cả hai Bộ cùng quản lý nên rất khó phân định trách nhiệm. Đáng lưu ý, Nghị định 202 quy định, việc thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân vừa sản xuất phân bón vô cơ, vừa sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác hiện đang bỏ ngỏ vì không bộ, ngành nào nhận trách nhiệm.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Bộ NN&PTNT chỉ được kiểm tra các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều vừa sản xuất phân vô cơ, vừa sản xuất phân hữu cơ nên Cục không có thẩm quyền đối với các doanh nghiệp này.

“Muốn thanh tra, kiểm tra, phải lập đoàn liên ngành gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, quản lý thị trường. Việc này mất rất nhiều thời gian và khó thực hiện”, ông Hoàng Văn Cường cho hay.

Để quản lý chặt chẽ trong lĩnh vực phân bón, ông Nguyễn Hạc Thúy cho rằng, nên giao trách nhiệm về một bộ. Trong khi chưa thay đổi được chính sách thì các tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm.

Còn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn kiến nghị Chính phủ giao Bộ NN&PTNT soạn thảo, chuẩn hóa khoảng 100 loại phân bón phục vụ cho các loại cây trồng chính. Các doanh nghiệp chỉ được phép sản xuất, kinh doanh các loại phân bón trong danh mục, vừa khuyến khích cạnh tranh, nông dân lại dễ nhận biết.