Thị trường ô tô nội sôi động sau khi giảm 50% lệ phí trước bạ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lượng khách hàng đăng ký khai, nộp lệ phí trước bạ và đăng ký xe tăng đột biến trong vài ngày gần đây, sau khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ có hiệu lực.
Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được hưởng lợi từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ

Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được hưởng lợi từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ

Ùn ùn đi làm thủ tục

Từ 1-12, Nghị định 103/NĐ-CP về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chính thức có hiệu lực. Với quy định này, mức thu lệ phí trước bạ tại Hà Nội sẽ giảm từ 12% xuống chỉ còn 6%. Như vậy, giá lăn bánh mỗi chiếc xe có thể được giảm từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, trái với dự đoán, theo khảo sát của phóng viên vào những ngày đầu chính sách có hiệu lực, tại các đại lý ô tô trên địa bàn Hà Nội lại khá vắng khách xem xe.

Lý giải điều này, đại diện các đại lý xe cho biết, những ngày này, tất cả nhân viên kinh doanh đều tỏa đi các chi cục thuế, trung tâm đăng kiểm, đăng ký để làm hồ sơ khai, nộp lệ phí trước bạ, đăng ký xe cho khách. Bởi vì đa phần khách hàng đã tìm hiểu, đặt cọc xe từ tháng 10, tháng 11 để đón đầu chính sách và chờ đến khi chính sách có hiệu lực mới ký hợp đồng mua bán, làm các thủ tục...

“Lượng khách đến xem xe từ đầu tháng 12 có xu hướng chững lại so với trước thời điểm chính thức có công văn giảm phí. Đa phần khách đã xem xe và đặt cọc trước đó, có thể vì họ lo lắng đến tháng 12 các chương trình khuyến mại sẽ hết, giá xe có thể tăng hoặc xe khan hiếm hơn. Do đó, trong những ngày này, chúng tôi đang phải đẩy mạnh “giải phóng” khoảng 200 xe đang tồn trong kho. Đây là số xe mà khách đã ký hợp đồng đặt cọc, chỉ chờ chính sách có hiệu lực để làm các thủ tục còn lại” - anh Trường, phụ trách kinh doanh Hyundai Long Biên cho biết.

Trái ngược với sự vắng vẻ tại các đại lý ô tô thì trong 3 ngày sau khi Nghị định 103 có hiệu lực, tại các điểm nộp thuế và đăng ký xe trên địa bàn Hà Nội đều trong tình trạng chật kín người. Hiện nay, do việc khai lệ phí trước bạ tại Hà Nội đã có thể thực hiện trực tuyến nên phần nào cũng giảm tải cho cơ quan thuế. Tuy nhiên với thủ tục đăng ký, bấm biển thì nhiều người dân vẫn phải đến trực tiếp, dẫn đến cảnh ùn tắc.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong ngày đầu áp dụng Nghị dịnh 103 (1-12), lượng đăng ký kê khai, nộp lệ phí trước bạ ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tăng đột biến gấp hơn 10 lần so với cùng ngày tháng trước, lên tới 11.286 xe. Con số này giảm dần trong 2 ngày sau đó, nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể, ngày 2-12 là 7.656 xe; ngày 3-12 là 4.942 xe. Như vậy là chỉ trong 3 ngày đầu đã có tới gần 24.000 ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được làm thủ tục nộp lệ phí trước bạ. Trong khi đó, lượng ô tô nhập khẩu không có nhiều thay đổi, ở mức chỉ khoảng 3.500 xe trong 3 ngày qua.

Hiệu ứng có dài hơi?

Theo thống kê, hiện các hãng xe đang phân phối ra thị trường khoảng 40 mẫu xe lắp ráp trong nước. Một số cái tên như Hyundai, Mercedes, Toyota, Mazda, KIA được dự báo sẽ được hưởng lợi lớn từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ này khi có từ 4 - 8 mẫu xe đang sản xuất, lắp ráp tại trong nước. Theo dự báo của nhiều đại lý, lượng xe lắp ráp trong nước từ nay đến cuối năm sẽ tăng, một phần do nhu cầu mua xe đi lại dịp Tết, một phần do hiệu ứng từ chính sách giảm lệ phí trước bạ. Trong khoảng nửa đầu tháng 12, đa phần các đại lý sẽ phải giải quyết lượng xe khách hàng mua nhưng chưa đăng ký còn tồn đọng. Sau đó, lượng khách sẽ tăng mạnh vào thời điểm giáp Tết. Do chính sách kéo dài 6 tháng nên ra Tết có thể khách hàng sẽ “đủng đỉnh” hơn.

Dù cũng gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng nhập khẩu ô tô năm 2021 vẫn tăng trưởng ấn tượng. Do đó, để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp ô tô cũng như cho nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu của người dân, Chính phủ cần có hệ thống các chính sách khuyến khích ưu đãi sản xuất trong nước thật hấp dẫn và mang tính dài hạn.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Tiểu ban chính sách của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ từ đầu tháng 12-2021 đáp ứng được sự mong đợi của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc có tăng trưởng doanh số ô tô sau khi được giảm 50% lệ phí trước bạ hay không còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế, vì khi có tiền thì người dân mới có thể mua được xe. “Về lý thuyết, khi giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp, doanh số dòng xe này sẽ bứt phá hơn so với xe nhập khẩu. Tuy nhiên tăng đến đâu thì vẫn phải theo dõi tiếp” - ông Nguyễn Trung Hiếu nói.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Hiếu, hiện nay nhiều mẫu xe nhập khẩu cũng đã bắt đầu gia tăng các ưu đãi để cạnh tranh với xe lắp ráp. Do đó, để nói về ưu thế của xe nội so với xe nhập khẩu sau khi được giảm 50% lệ phí trước bạ cũng là rất khó. Trên thực tế, đây là lần thứ hai Chính phủ ban hành chính sách giảm lệ phí trước bạ để kích cầu tiêu thụ ô tô trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP, giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước từ 28-6 đến hết 31-12-2020.

Ngay sau đó, doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lập tức tăng mạnh, tháng sau tăng cao hơn tháng trước. Cụ thể, theo số liệu của VAMA, nếu như trong 6 tháng đầu năm, doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp của các doanh nghiệp thành viên chỉ đạt 67.516 xe, thì từ tháng 7 đến hết tháng 12-2020 đã đạt 120.957 xe, tăng gần gấp đôi. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường ô tô trong nước sẽ tăng trưởng vượt bậc trong các tháng tiếp theo.

Không chỉ doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi mà ngân sách dự báo cũng được hưởng lợi từ chính sách này. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong đợt giảm lệ phí trước bạ năm ngoái, lượng xe trong nước tiêu thụ tăng mạnh, có tháng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Qua đó, sau 6 tháng áp dụng, số thu thuế cho ngân sách Nhà nước từ ô tô đã tăng hơn 11.200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương khoảng 47,1%.

Trong đó, riêng thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuế Giá trị gia tăng (VAT) tăng hơn 8.200 tỉ đồng, tăng thu phí lệ phí trước bạ của các địa phương là hơn 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, về dài hơi, nếu chỉ được hỗ trợ lệ phí trước bạ trong 6 tháng thì ô tô trong nước khó duy trì được lợi thế với xe nhập khẩu. Bởi theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, lượng xe nguyên chiếc các loại nhập khẩu vào Việt Nam đạt 143.387 xe, tăng gần 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này cho thấy, dù cũng gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng nhập khẩu ô tô năm 2021 vẫn tăng trưởng ấn tượng. Do đó, để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp ô tô cũng như cho nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu của người dân, Chính phủ cần có hệ thống các chính sách khuyến khích ưu đãi sản xuất trong nước thật hấp dẫn và mang tính dài hạn.

Quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ từ đầu tháng 12-2021 đáp ứng được sự mong đợi của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc có tăng trưởng doanh số ô tô sau khi được giảm 50% lệ phí trước bạ hay không còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế, vì khi có tiền thì người dân mới có thể mua được xe. Về lý thuyết, khi giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp, doanh số dòng xe này sẽ bứt phá hơn so với xe nhập khẩu. Tuy nhiên tăng đến đâu thì vẫn phải theo dõi tiếp.

Ông Nguyễn Trung Hiếu Trưởng Tiểu ban chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA)