“Thị trường” ngầm mua bán trứng phụ nữ và những hệ lụy

ANTĐ - Tạo dựng gia đình, có thai, sinh con - đó là ước mơ của tất cả các cặp vợ chồng, tuy  nhiên không phải gia đình nào cũng có thể thực hiện được quy luật hết đỗi tự nhiên này. Lý do thì muôn vẻ, nhưng không ít người vợ sau khi lập gia đình lại không thể mang thai vì hiện tượng suy giảm chức năng buồng trứng. 

Điều đó cũng có nghĩa - khả năng làm mẹ của họ không thể thực hiện được bằng cách bình thường. Với khát khao làm mẹ, không ít chị-em đã lựa chọn giải pháp tối ưu nhất: Thụ tinh trong ống nghiệm. Tinh trùng của chồng kết hợp với trứng của người hiến trứng, sau đó phôi sẽ được “cấy” vào buồng tử cung của người vợ. Cầu có ắt sẽ có cung tạo thành một “thị trường” hoạt động “ngầm” mua bán trứng đi kèm với đủ thứ chuyện xoay quanh với không ít hệ lụy. 

“Thị trường” ngầm mua bán trứng phụ nữ và những hệ lụy ảnh 1

Tôi đi tìm mua trứng  

Có mặt tại cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hỏi chuyện những người kinh doanh buôn bán lẻ quanh đây về “nguồn” cung cấp trứng… phụ nữ để thụ tinh trong ống nghiệm đều nhận được những cái lắc đầu… không biết. Không nản, tiếp tục dò hỏi thì chúng tôi được một người phụ nữ trung tuổi tiếp cận và khi hỏi rõ nhu cầu, mục đích thì bảo đợi để “giao dịch”.

Sau cuộc điện thoại chóng vánh cho một ai đó thì chừng 5 phút sau 1 người đàn ông khoảng 40 tuổi xuất hiện. Sau khi giãi bày tâm tư, nguyện vọng thì người đàn ông xa lạ đáp lại: “Sổ sách khám bệnh của chị đâu? Có chỉ định của bác sĩ chưa?”...  Khi tôi nói rằng hôm nay không mang theo thì trước khi bỏ đi người này còn vuốt đuôi bằng câu nói: “Vậy chị về đi, không còn chuyện gì để nói nữa đâu”. Chưa muốn “đứt” cuộc “giao dịch” khó lắm mới “bắt mối” này chúng tôi tiếp tục nài nỉ: “Em bị trứng lép, cả năm mới có kinh nguyệt 1, 2 lần, 10 năm lấy nhau vẫn chưa có con, mong anh cố gắng giúp đỡ, giá cả thế nào em cũng cố để xoay sở”. Với vẻ mặt lạnh lùng, người đàn ông xa lạ gằn giọng: “Ở đây không có mua bán, giá cả gì chuyện đó, chị nói thế là vu oan giáng họa cho người khác nhé. Có chăng chúng tôi chỉ đường mách nước làm phúc cho những người không may hiếm muộn mà thôi”. Đứt câu, người đàn ông bỏ đi… 

Quyết phải tìm cho ra ngọn ngành, chúng tôi lại “đeo bám” người phụ nữ ban đầu gọi điện cho người đàn ông xa lạ thì được cho biết: “Ông ấy có nhiều mối cho trứng, đều là phụ nữ khỏe mạnh tuổi từ 25 đến 35. Quá tuổi đó thì thôi không ai lấy. Nhiều người đã được rồi đấy!...  Khi hỏi xin số điện thoại để tiện liên lạc thì người đàn bà nhếch mép cười đểu và nói: “Làm gì có chuyện. Cứ chuẩn bị quãng 50 triệu đồng, mang theo sổ khám bệnh, chỉ định của bác sĩ thì quay lại đây”. 

Câu chuyện khó hơn tưởng tượng 

Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tại đây, bất kỳ thời điểm nào cũng có thể bắt gặp những khuôn mặt lo âu, thất thần của những cặp vợ chồng trục trặc chuyện sinh nở. Âu cũng là nỗi niềm, khát khao chính đáng - làm cha làm mẹ - dẫu biết con cái là chuyện Trời cho - nhưng còn nước còn tát, còn hy vọng là phải chạy chữa, tìm muôn phương nghìn sách dù tốn kém thế nào để thỏa tâm nguyện. Tiến gần ngồi cạnh chị H., khoảng 40 tuổi, người Lạng Sơn thì được chị cho biết: Chị bị suy giảm chức năng buồng trứng, 37 tuổi mới lấy chồng nên mãi không có con. Sau khi đi khám thì bác sĩ bảo nhanh nhất là xin trứng của ai đó khỏe mạnh, thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của chồng rồi cấy vào tử cung. Lần trước đã làm xong hết các xét nghiệm rồi nhưng không tìm được người cho trứng nên đành bỏ dở. Chị lại không có chị em gái nên không nhờ được người hiến trứng. Lần này qua nhiều mối chị mới tìm được. Khi tôi hỏi giá hết bao nhiêu thì chị thật thà trả lời: “Cũng mất vài chục triệu đồng, nhưng đấy chỉ là tiền lúc nhận trứng thôi, họ chỉ chịu trách nhiệm đến khâu chọc trứng. Còn mọi xét nghiệm khác mình phải chịu hết. Chưa kể nếu rủi ro như phôi hỏng, hay đặt vào không được, hoặc sẩy thì mình cũng phải chấp nhận. Nói chung đã theo đuổi thì phải xác định tốn kém”. Và cũng theo kinh nghiệm chị H. truyền lại cho tôi - một người trong vai hiếm muộn đi tìm mua trứng - thì chớ có dụng cụm từ “mua-bán” trứng mà hỏng việc. Thấy vẻ mặt có phần ngạc nhiên của tôi, chị H. dường như hiểu chuyện mà nói luôn: “Chỉ là cho - nhận trứng thôi không lại “động chạm”. 

Trò chuyện với bác sĩ sản khoa Nguyễn Mai Hương thì được biết: Tỉ lệ phụ nữ vô sinh trong cuộc sống hiện nay khá cao, trong khi đó người hiến trứng rất ít. Có trường hợp sau khi đồng ý cho trứng, nhưng biết quy trình khó khăn và lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe nên đã rút lui. Bởi với người cho trứng cũng phải khá mệt mỏi khi trải qua đủ mọi xét nghiệm… Người hiến trứng không chỉ gặp khó khăn về thời gian, thủ tục như tiêm thuốc kích thích buồng trứng liên tục từ 2-4 tuần, nằm trong độ tuổi 18-35, đã có gia đình hoặc ít nhất có một con khỏe mạnh, chưa từng cho trứng, không mắc các bệnh lý nội khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh lý di truyền, xét nghiệm HbsAg, HIV, BW âm tính, xét nghiệm nội tiết đánh giá chức năng buồng trứng bình thường, không có tiền căn phẫu thuật trên buồng trứng, tử cung, không có khối u buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, không đang cho con bú, không đang sử dụng nội tiết tránh thai… 

ít người tự nguyện hiến trứng

Hiện nay, y học rất cần đến sự hiến trứng bởi việc tiếp nhận các phụ nữ hiến trứng còn ít, hơn thế nữa, trứng hiến tặng chỉ giữ được trong 24h, không bảo quản lâu như tinh trùng nên không có ngân hàng trứng như ngân hàng tinh trùng (tinh trùng của nam giới hiến tặng, nếu dùng không hết có thể bảo quản trong ngân hàng, về sau dùng cho người khác vẫn được). Đây là cơ hội cho việc “mua - bán” trứng bên ngoài phát triển, bởi người cần thì nhiều, người hiến thì ít. Tuy nhiên, liệu các trung tâm điều trị bên ngoài có đảm bảo các điều kiện như những quy định trên không thì rất khó xác định. 

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong số 2.500 cặp vợ chồng đến chữa trị vô sinh tại đây hàng năm, có khoảng 10% cần xin trứng để điều trị. Tất cả những trường hợp cần trứng người bệnh phải tự đi tìm người cho trứng và chủ yếu họ xin trứng từ người thân họ hàng. Khi người bệnh phải tự đi tìm trứng để chữa trị vô sinh sẽ dẫn đến tình trạng mua bán trứng, hoặc “cò” mua - bán trứng mà trong thời gian qua đã xảy ra cả trong và ngoài nước. Như vụ gần đây nhất ở tỉnh Bình Dương cơ quan chức năng phát hiện một phụ nữ có liên quan đến chuyện này. Luật sư Nguyễn Văn Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo quy định của pháp luật hiện hành, các cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ sống độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, pháp luật không thừa nhận tinh trùng, noãn, phôi là hàng hóa nên việc mua bán bị nghiêm cấm. Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận noãn, cho và nhận phôi phải được thực hiện trên nguyên tắc bí mật, tự nguyện. Việc thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải theo đúng quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành.

Hệ lụy khó lường

“Mua - bán” trứng để thực hiện thụ tinh nhân tạo không phải ai cũng gặp suôn sẻ từ A-Z. Chị Thành, anh Văn (TP Hải Phòng) cách đây 4 năm cũng từng phải mua trứng để làm thụ tinh ống nghiệm với giá 30 triệu đồng, thêm 80 triệu đồng thụ tinh ống nghiệm nữa. Hiện nay đứa con của anh chị đã 3 tuổi nhưng cháu lại bị dị tật sinh dục bẩm sinh. Theo giải thích của bác sĩ là do gen di truyền của người cho trứng. Phải mất một thời gian nữa, khi xác định các chất nội tiết sinh dục trong cơ thể cháu, thì mới quyết định mổ để cháu trở thành con gái hay con trai.

Hiện nay không ít phụ nữ kinh tế khó khăn với suy nghĩ rằng, mỗi tháng có một quả trứng rụng, không bán thì cũng lãng phí. Thêm vào đó thường được các “cò” rót vào tai như thế là làm phúc, vừa được tiền vừa thêm phúc đức. Vì vậy không ít người tình nguyện bán trứng. Theo lý thuyết một phụ nữ có thể hiến tối đa 6 trứng và khoảng cách an toàn cho mỗi lần hiến trứng là từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên điều nguy hiểm là nếu “kích” quá nhiều, buồng trứng sẽ có nguy cơ phình to rồi dẫn đến vô sinh. Ngoài ra có thể dẫn đến những biến chứng như suy thận, vỡ hay xoắn các nang noãn, tắc mạch máu, phù phổi và tử vong. Chị Hương, 27 tuổi, đã từng 5 lần “chọc-hút” trứng cho biết: Không chỉ rong kinh kéo dài mà cô thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau âm ỉ ở vùng bụng. Theo nghiên cứu, có khoảng 20% phụ nữ cho tặng trứng đã mắc phải hội chứng OHSS - Hội chứng kích thích buồng trứng quá mức dẫn đến những triệu chứng như khó thở, buồn nôn. Tại nước Anh thực tế đã trả lời khi có ít nhất 5 phụ nữ đã từng thiệt mạng vì mắc phải một trong những triệu chứng trên.

Ngoài yếu tố sức khỏe, “dịch vụ” mua - bán trứng cũng đang để lại hậu quả nghiêm trọng về hôn nhân “cận huyết”. Trứng được rao bán đều có thể sẽ tạo ra những đứa trẻ mà cha mẹ chúng sau này đều không muốn có bất cứ liên hệ nào với người bán trứng. Bản thân người bán trứng cũng không biết được những quả trứng này sẽ được bán cho ai. Chỉ 20 - 30 năm nữa, sau khi những đứa trẻ sinh ra từ các quả trứng ấy lớn lên, ai sẽ đảm bảo chúng không kết hôn với người anh em cũng được sinh ra cùng “nguồn” (?) Chưa nói những phức tạp khác về bệnh tật, về quan hệ xã hội, về đạo đức xã hội mà nhất thời đã bị coi nhẹ do mưu sinh khỏa lấp. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc đã khẳng định rằng những phụ nữ mang thai bằng trứng của người phụ nữ khác không cùng huyết thống có nguy cơ sảy thai cao. Bên cạnh đó tỉ lệ thai phụ bị cao huyết áp cũng cao hơn bình thường.