Thị trường lao động Hà Nội sau tết: Nơi thiếu hụt, chỗ dư thừa

ANTĐ - Theo các cơ quan chức năng, thời điểm này lượng công nhân trở lại làm việc tại các khu công nghiệp-khu chế xuất (KCN-KCX) trên địa bàn Hà Nội đã đạt đến trên 90%. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tình trạng thiếu lao động đầu năm vẫn là nỗi lo lớn.

Trong lĩnh vực sản xuất, lao động phổ thông vẫn thiếu. Ảnh minh họa


Hơn 90% công nhân đã trở lại

Thiếu lao động đầu năm là tình trạng xảy ra khá phổ biến tại các KCN-KCX những năm gần đây. Giới chuyên gia phân tích, nguyên nhân là do các doanh nghiệp thường đặt mục tiêu phát triển theo kiểu “ăn xổi”, nghĩa là tuyển lao động vào, trả lương cho họ là xong chứ không quan tâm đến đời sống người lao động hay tạo điều kiện cho họ phát triển tay nghề, năng lực. Do đó, người lao động, nhất là lao động phổ thông thường có tâm lý coi đâu cũng chỉ là chỗ làm tạm. Cũng vì thế, sau mỗi dịp nghỉ tết, lượng lao động về ăn tết rồi không trở lại làm việc chiếm tỷ lệ khá cao, nhất là trong bối cảnh đa dạng hóa ngành nghề kinh tế như hiện nay.

Tuy vậy, điểm khởi sắc so với mọi năm là sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, lượng công nhân lao động trở lại làm việc tại các KCN-KCX đã tương đối ổn định, tình trạng thiếu vắng lao động tại các khu vực này không còn quá nghiêm trọng. Theo ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các

KCN-KCX Hà Nội, từ ngày làm việc chính thức đầu tiên sau Tết Nguyên đán đến nay, tỷ lệ công nhân lao động trở lại làm việc tại các KCN-KCX trên địa bàn đã đạt trên 90%.

Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc TTGTVL HN chia sẻ, thời điểm sau tết hàng năm, nhiều doanh nghiệp tại các KCN lớn của thành phố như Bắc Thăng Long, Sài Đồng… đôn đáo liên hệ với Trung tâm nhờ tuyển dụng lao động gấp vì thiếu hụt lao động trầm trọng. Tuy nhiên, trong số gần 20 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động tại Trung tâm những ngày đầu năm này không có doanh nghiệp nào nằm trong các KCN-KCX lớn kể trên. Điều đó phần nào chứng tỏ tình hình lao động tại các KCN này khá ổn định.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân tình trạng thiếu hụt lao động tại các KCN-KCX sau Tết Nguyên đán không còn nghiêm trọng như những năm trước chính là do các doanh nghiệp đã có những chính sách giữ chân lao động. Chẳng hạn như trong dịp tết vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã cùng với tổ chức công đoàn chăm lo tốt đời sống người lao động, bố trí những chuyến xe đưa-đón công nhân về quê ăn tết, động viên trở lại làm việc đúng thời hạn. Có những doanh nghiệp còn hứa hẹn “lì xì” đầu năm cho công nhân để động viên, tạo động lực cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp, cùng chia sẻ khó khăn.

Khó khởi sắc?

Tính từ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đến nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (TTGTVL HN) đã tiếp nhận gần 20 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động. Trong số này hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khối sản xuất, tập trung vào các ngành may mặc, xây dựng, sản xuất hàng hóa. Doanh nghiệp có số tuyển dụng nhiều nhất là 53 lao động. Phiên giao dịch việc làm đầu tiên sau tết đã diễn ra vào ngày 2-2, tuy nhiên do lượng lao động đến tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng rất thưa thớt nên phía Trung tâm đành phải “khất” các doanh nghiệp tuyển dụng vào phiên giao dịch sau. Ông Vũ Trung Chính cho biết, lượng lao động tìm đến phiên giao dịch việc làm đầu năm bao giờ cũng rất vắng nên dù vẫn tổ chức phiên giao dịch nhưng mục đích đăng thông tin tuyển dụng là chính chứ chưa dám kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. 

Ông Chính lý giải, người dân nước ta vẫn quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, là thời gian để vui xuân, trẩy hội nên theo kinh nghiệm thị trường lao động đầu năm luôn im ắng, phải từ tháng 3 trở đi mới sôi động trở lại. Còn về diễn biến thị trường lao động chung trong cả năm 2012, ông Chính cho rằng, tiên lượng vẫn hết sức khó khăn, khó có khởi sắc hay đột biến bởi tình hình kinh tế chưa được cải thiện. Số người thất nghiệp nhiều khả năng vẫn không giảm, nhất là lao động trí thức trong các lĩnh vực đã bão hòa nhân lực.

Về phân bố lao động theo ngành nghề cụ thể, thị trường lao động Hà Nội đang tồn tại nghịch lý khi những ngành thừa lao động sẽ vẫn tiếp tục thừa, những ngành thiếu vẫn thiếu. Cụ thể, sinh viên mới tốt nghiệp các ngành cử nhân kinh tế, luật, công nghệ thông tin… sẽ khó xin việc bởi lao động trong ngành này đã tương đối ổn định, bão hòa. Trong khi đó, kỹ sư các ngành cơ khí, chế tạo, xây dựng, công nhân, lao động phổ thông tại các nhà máy sản xuất, KCN vẫn đang thiếu và khả năng tuyển dụng khó đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.