Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc: Hoàng hôn của người khổng lồ?

ANTĐ - Hàng loạt những biện pháp khẩn cấp đang được Chính phủ Trung Quốc tung ra nhằm ngăn chặn đà lao dốc không phanh của thị trường chứng khoán nước này, khiến cả thế giới hồi hộp trước viễn cảnh một cuộc đại suy thoái như thời 1929-1932.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc: Hoàng hôn của người khổng lồ? ảnh 1

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị bốc hơi gần 4.000 tỷ USD

Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã cấm các cổ đông lớn và quan chức điều hành cấp cao của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán bán cổ phần trong vòng 6 tháng tới. Ngoài ra, rất nhiều biện pháp đối phó như ngừng IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu), cắt giảm lãi suất, nới lỏng quy định về biên độ và chi phí giao dịch… đã được tung ra trong khi các cơ quan cảnh sát và an ninh đã bắt đầu các cuộc điều tra về hành vi “bán khống” trên các thị trường chứng khoán của Trung Quốc.

Mới một năm trước đây, thị trường chứng khoán Trung Quốc còn tăng trưởng với tốc độ khủng khiếp. Chỉ trong vòng 7 tháng, vốn hóa toàn thị trường tăng gấp đôi, số công ty niêm yết lên sàn cũng tăng chóng mặt. Ấy thế mà chỉ vài tuần qua, thị trường này đã sụt giảm hơn 30%. Từ quy mô 10.000 tỷ USD, sau cơn địa chấn chứng khoán, giá trị vốn hóa của thị trường này chỉ còn hơn 6.000 tỷ USD, gần 4.000 tỷ USD đã bị bốc hơi.

Đi tìm nguyên nhân, nhiều nhà phân tích cho rằng, khi kinh tế Trung Quốc chậm lại sau khủng hoảng tài chính năm 2008, Bắc Kinh bắt đầu bơm lượng thanh khoản lớn vào hệ thống. 20 nghìn tỷ USD tiền gửi được chuyển hướng sang thị trường chứng khoán trong nỗ lực hồi sinh nền kinh tế. Đây được kỳ vọng là kênh huy động vốn mới cho các công ty đang ngập trong nợ nần, nhằm tạo đà tăng ổn định cho thị trường chứng khoán. 

Nhưng do không kiểm soát chặt, chứng khoán thành ra một kênh huy động vốn hữu hiệu của những công ty đáng lý ra đã phải phá sản. Có một thực tế nguy hiểm là công ty cứ “lên sàn” là có “một mớ tiền” để tránh phá sản. Đáng ra phải được loại khỏi nền kinh tế như cắt bỏ các tế bào ung thư, thì những công ty dạng đó lại được hỗ trợ tồn tại để nay “di căn” sang thị trường chứng khoán, khiến thị trường này phình to một cách bất ngờ.

Nếu lấy hệ số giá/thu nhập (P/E) là căn cứ để so sánh, các cổ phiếu thuộc chỉ số Shanghai Composite Index đắt gấp 3 lần so với cổ phiếu ở bất kỳ thị trường nào trong số 10 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Hệ quả là vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc vọt lên rất cao, thậm chí 2 thị trường Thượng Hải, Hồng Kông có thể vượt giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) và London (Anh). Tuy nhiên, dòng tiền này không bền vững, có hệ suất sinh lời trồi sụt và thực tế hiện nay là minh chứng rõ ràng.

Theo phân tích của tờ Fortune, những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc không chỉ nằm ở giá cổ phiếu. “Thực tế hiện nay có thể là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nước này đang ở tình trạng tồi tệ hơn chúng ta tưởng”, tờ báo này đánh giá. Nhiều người lo ngại rằng những diễn biến và phản ứng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc thời gian gần đây khá trùng khớp với những gì đã xảy ra tại Mỹ năm 1929, dẫn đến cuộc Đại suy thoái 1929-1933 trên toàn cầu. 

Nếu bong bóng chứng khoán Trung Quốc phát nổ, hậu quả của nó có thể nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng của khu vực đồng Euro (Eurozone) bởi nó có thể dẫn tới “hoàng hôn” của nền kinh tế Trung Quốc. Đánh giá tác động tới kinh tế thế giới, hãng thông tấn Bloomberg nhận xét: “Cả thế giới đã có vài năm để chuẩn bị cho kịch bản Hy Lạp rời Eurozone. Thế nên, việc nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu đột ngột tụt dốc sẽ là một thảm họa. Nó có thể giết chết đà phục hồi yếu ớt của Nhật Bản, đẩy Australia vào cuộc suy thoái và gây sóng gió cho Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ cùng nhiều quốc gia xuất khẩu khác”.