Thị trường chứng khoán lại có phiên hoảng loạn: Cứ nghe là... chạy

ANTĐ - Phiên giao dịch ngày 9-12 của thị trường chứng khoán (TTCK), Vn-Index đã mất 16,37 điểm (2,86%), HNX-Index mất 3,32 điểm (3,81%), được ghi nhận là phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng 7 tháng qua, kể từ sau những ảnh hưởng tiêu cực do tình hình bất ổn tại Biển Đông. 

Như vậy chỉ trong 1 ngày, vốn hóa TTCK mất trên 1,5 tỷ USD. Sang đến ngày 10-12, thị trường chứng khoán lại có thêm một phiên điên rồ, những chỉ số thị trường dao động trong ngày, lên xuống trong khoảng cách chưa từng có. VN-Index dao động trong khoảng 2,6%, hơn 14 điểm trên thực tế, HNX-Index còn dao động kinh hơn, tới 3,4%. Thị trường chứng khoán giống nồi nước sôi, đặt ở ngã tư, ai đi qua ném vào cục đá lạnh, nước hết sôi, cho thêm củi, thế là nước sôi bồng lền, trào hết ra...

Thị trường chứng khoán lại có phiên hoảng loạn: Cứ nghe là... chạy ảnh 1

Những nguyên nhân không có thật và có thật

Nhiều chuyên gia thị trường nhận xét phiên ngày 9-12 cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phản ứng lao dốc theo hiệu ứng domino trước diễn biến giá dầu thế giới giảm về ngưỡng kỷ lục, thấp nhất 5 năm qua. Cổ phiếu dầu khí chính là nhóm có sức ảnh hưởng lớn đến chỉ số Vn-Index và HNX-Index nên khi các mã này giảm sàn thì thị trường cũng chao đảo theo.

Cũng có vẻ có lý. Giá dầu giảm mạnh tới gần 50% trong 6 tháng qua có thể ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm dầu khí. Nhưng hình như cái tin giá dầu giảm này nó có từ lâu và những dự đoán về việc giá dầu tiếp tục giảm cũng không chỉ mới xuất hiện ngày 8 hoặc 9-12. Vả lại cũng không chỉ có cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan tới dầu khí. Vn-Index lao dốc về 555 điểm ngày 9-12 so với các phiên trước là cổ phiếu suy yếu trên diện rộng, không còn tập trung vào duy nhất nhóm dầu khí nữa. Hầu như các nhóm ngành thực phẩm, địa ốc, tài chính, tài nguyên, dịch vụ... đều giảm khá mạnh và các mã vốn hóa lớn không thuộc họ dầu khí cũng rung lắc dữ dội. Thật sự là một cơn hoảng loạn. Tại Vn-Index chỉ có 31 mã tăng giá chút ít, không đáng kể nhưng có tới 222 mã giảm sâu, 46 mã giảm sàn. Vậy là cái lý vin vào giá dầu không được ổn. Giá dầu chỉ có thể định hướng suy giảm mà không đủ khả năng tạo ra một ngày hoảng loạn. 

Có một lý khác, TTCK Việt Nam bị tác động bởi TTCK châu Á đang giảm điểm. Có thể như vậy? Cụ thể, các công ty chứng khoán đã dẫn: những ngày đầu tháng 12-2014, các chỉ số của TTCK châu Á có giảm điểm, cụ thể Nikkey 225 mất 229,2 điểm (1,29%), Hong Kong Hang Seng Index mất 561,84 điểm (2,34%) và Shanghai Index mất 145,97 điểm, tương ứng với 4,49%. Nhưng thật đáng tiếc, mặc dù các chỉ số chủ chốt của TTCK châu Á có định hướng xuống, nhưng lục lại thông tin, chúng ta lại thấy ngược lại. TTCK châu Á ngày 8-12 tăng điểm sau thông tin báo cáo bảng lương phi nông nghiệp Mỹ tăng vượt dự kiến, thúc đẩy triển vọng lạc quan về nền kinh tế hàng đầu thế giới. Vào ngày 8-12, TTCK Trung Quốc tiếp tục gây ấn tượng khi Chỉ số Thượng Hải tăng 2,8%, vượt qua mốc 3.000 điểm, đạt mức cao nhất trong 44 tháng. TTCK Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tăng mạnh. Vậy là về định hướng hay tác động trực tiếp của TTCK châu Á không liên quan tới cơn địa chấn ngày 9-12. Vậy nguyên nhân thật sự là gì?

Nguyên nhân thật sự của cơn hoảng loạn ngày 9-12, và sẽ còn kéo dài vài ngày nữa, nằm ngay trong bản chất của TTCK Việt Nam. Đó là cái chợ của những tay mơ, ôm tiền lên sàn mà không cần bất cứ một kiến thức nào về thị trường, đa phần chỉ nghe hơi nồi chõ và chạy... tạo ra một dạng “tâm lý đám đông” quái gở. Thấy người ta mua, đua nhau đi mua, thấy người ta bán, đua nhau đi bán. Lên sàn chứng khoán mà như đánh bạc, may ăn, rủi chịu.

Chứng khoán Việt Nam đã nhiều lần chứng kiến sự hoảng loạn của nhà đầu tư khi thị trường diễn biến xấu. “Yếu tố đám đông” là tác nhân quen thuộc luôn được nhắc đến mỗi khi có những biến động mạnh trên thị trường. Ngày 9-12, bắt đầu bằng sự bán tháo của nhóm cổ phiếu dầu khí và tiếp đó là đợt bán tháo mạnh trên diện rộng khiến cả hai sàn giảm điểm sâu. Đồ thị của chỉ số là một đường thẳng chúc đầu đi xuống và gần như không kiến tạo được nhịp hồi nào. Không có tín hiệu tích cực nào từ phiên giao dịch chiều, thậm chí tình hình còn xấu hơn nhiều so với sáng khi hàng loạt cổ phiếu bị bán mạnh. Các cổ phiếu dòng dầu khí như GAS, PVD, PXS, PVS, PVC, PGS... đã bị ép xuống mức giá sàn. Lực bán tháo không chỉ dừng lại ở nhóm dầu khí mà lan rộng khắp bảng điện tử. Ở nhóm bluechip, sắc xanh cũng chỉ còn le lói ở một vài điểm, chủ yếu là sắc xanh nhạt nhòa, trong khi một phần lớn đã chìm trong sắc đỏ... Đến các nhà đầu tư ngoại cũng lắc đầu chịu thua. Chứng kiến “cơn lốc đỏ” khi áp lực bán tháo lan tỏa trên diện rộng toàn thị trường, giao dịch khối ngoại ngày 9-12 gần như bất động. 

Nhưng không chỉ do tâm lý đám đông, chính các công cụ thị trường của TTCK cũng góp phần gây ra những cơn địa chấn. Ngay khi giá cổ phiếu đi xuống, đặc biệt các cổ phiếu nhóm dầu khí, các công ty chứng khoán (CTCK) bắt đầu giải chấp, tung bán cổ phiếu thế chấp ra thị trường, giá hạ hơn, không chỉ bán các cổ phiếu nhóm dầu khí, các CTCK bán luôn các cổ phiếu nhóm khác trong rổ đầu tư của khách hàng. Một chợ toàn tay mơ, đã có chút hoảng loạn bỗng thấy xuất hiện một khối lượng cổ phiếu khổng lồ rao bán, ngang với việc đổ xăng vào đám cháy, không sụp chợ mới là lạ. Qua sự kiện này, chúng ta càng thấy rõ quy mô của cho vay ký quỹ chứng khoán (margin) trên TTCK lớn như thế nào. Báo cáo tài chính quý 3-2014 của 11 công ty chứng khoán (SSI, HSC, VCSC, VNDS, FPTS, SHS, MBS, BVSC, VCBS, BCS, Kim Eng) cho thấy, tính đến 30-9-2014, số tiền các công ty chứng khoản phải thu từ hoạt động margin lên tới hơn 10.300 tỷ đồng. Còn các khoản vay ngân hàng, công ty tài chính và các CTCK khác nữa, nếu tính tới, con số vay nợ để đầu cơ chứng khoán có thể lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Và chỉ cần các ông chủ nợ hắt hơi, chắc chắn TTCK sẽ thập tử nhất sinh. 

Với những phân tích này, chắc chắn trong tương lai, chúng ta còn phải chứng kiến nhiều phiên địa chấn, nhiều cơn hoảng loạn nữa. Sẽ quen thôi, các nhà đầu tư nhỏ. Hết tiền, hết cách xoay xở, chúng ta sẽ chừa được cờ bạc ngay.

Để có một thị trường chứng khoán phát triển ổn định

Với định hướng xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ, TTCK đã và đang trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, góp phần tích cực vào tái cơ cấu và đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, qua đó thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Quy mô và phạm vi của thị trường đang từng ngày lớn mạnh, đến nay đã có gần 700 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán và 147 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCom, tăng 140 lần so với năm 2000. Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt khoảng 52 tỷ USD, chiếm 32% GDP, giá trị niêm yết trái phiếu chiếm gần 17% GDP.

Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2014, giá trị giao dịch chứng khoán bình quân tăng 58% so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của công chúng đầu tư trong và ngoài nước khi có gần 1,3 triệu tài khoản được mở với giá trị danh mục đầu tư nước ngoài lên đến 13 tỷ USD. Đã có rất nhiều giải pháp vĩ mô, cả về chính sách lẫn hạ tầng để thị trường phát triển ổn định. Ở bài viết này, nhân sự kiện hoảng loạn trên TTCK ngày 9-12, chúng tôi muốn đề cập tới một vấn đề cụ thể hơn, nhưng cần thiết hơn. Đó là vấn đề của nhà đầu tư chứng khoán với TTCK.

Không thể nói khác được, nền kinh tế chúng ta vẫn đang ở trong thời kỳ phát triển chậm. Tốc độ phát triển kinh tế đang giảm dần và đang dần ổn định ở mức thấp so với nhiều năm trước. Các doanh nghiệp, trong đó có phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đang trong thời điểm khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy tương lai phá sản ở phía trước. Vậy cái gì đã đẩy TTCK tăng trưởng một cách kỳ diệu trong năm 2014?  Trước hết đó là áp lực của nguồn tiền dư thừa không có địa chỉ đầu tư. Sức mua giảm, thị trường bất động sản đóng băng, hàng tồn chất ứ các kho, sản xuất đình đốn. Tỷ lệ tăng tín dụng của các ngân hàng giảm mạnh dẫn đến lãi suất tiền gửi cũng giảm theo. Các thị trường ẩn náu của tiền như vàng, ngoại tệ bị quản lý chặt, thậm chí bị tiêu diệt. Vậy tiền dư thừa đổ vào đâu? TTCK tăng trưởng ảo theo nguồn tiền đổ vào nó. Chắc chắn là vậy. Mặc dù tăng trưởng tín dụng vào sản xuất không tăng, nhưng tăng trưởng tín dụng đổ vào TTCK thì tăng mạnh. Tăng đến nỗi, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách hạn chế các ngân hàng cho vay đầu tư cổ phiếu, các CTCK ào ào tăng vốn, phát hành trái phiều... hàng nghìn tỷ, để đáp ứng nhu cầu vay tiền đổ vào TTCK. 

TTCK thứ cấp với vai trò đảm bảo thanh khoản cho cổ phiếu đã biến thành một thị trường đầu cơ lớn. Những khoản vốn khổng lồ không phải để dành cho TTCK sơ cấp mà chỉ tập trung vào thứ cấp, vào đầu tư ngắn hạn. Trong một thời kỳ các doanh nghiệp niêm yết đang phát triển cầm chừng, muốn có lợi nhuận trong đầu cơ cổ phiếu, không có cách nào tốt hơn là tạo sóng, sóng càng lớn, càng gây được hoảng loạn cả phía tăng lẫn phía giảm mới có thể đem lại những lợi nhuận khổng lồ cho những “tay to”, những “tổ lái”. Còn số phận của phần lớn các nhà đầu tư nhỏ đã được định sẵn: Hết vốn. Tại sao không có định hướng nào cho các nhà đầu tư nhỏ, lên đến gần triệu tài khoản đầu tư dài hạn, gắn bó với các doanh nghiệp với tư cách cổ đông mà chỉ định hướng các nhà đầu tư làm chủ cổ phiếu, làm chủ hàng, để mua bán, lướt sóng. Mà với vai trò chủ yếu là kênh thu hút vốn cho sản xuất kinh doanh, lẽ ra, TTCK phải động viên các nhà đầu tư trở thành cổ đông dài hạn của các doanh nghiệp.

Có lẽ đã đến lúc cần có những chính sách để ngăn cản TTCK trở thành thị trường đầu tư chụp giật, thị trường đầu cơ. Chỉ có như vậy, những cơn sốt nóng lạnh, những cơn địa chấn, những cơn hoảng loạn mới bớt đi.