Thị trường bất động sản: Chính sách tiền tệ nên được nới lỏng một cách hợp lý

ANTĐ - TS Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng, để tiếp tục hỗ trợ cho phục hồi kinh tế và thị trường bất động sản thì chính sách tiền tệ nên được nới lỏng một cách hợp lý.

Các chuyên gia cho rằng, chính sách tiền tệ nên được nới lỏng một cách hợp lý

Đây là đánh giá được đưa ra tại Hội thảo “Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản 2016” do Báo Lao động phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức sáng nay 23-3.

Nhận định thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng năm 2016, song ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng nhận định, xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) sẽ tiếp tục tăng trong lĩnh vực này.

Theo ông Vũ Văn Phấn, năm 2015, lượng giao dịch bất động sản tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Trong đó, lượng giao dịch tại Hà Nội tăng 70%, lượng giao dịch tại TP.HC.M tăng gần gấp rưỡi. Giá bất động sản cũng nhích dần lên (tăng 5-6%), tồn kho bất động sản tiếp tục giảm. Tính đến 20-2-2016, tồn kho bất động sản đã giảm hơn 62% so với năm 2013.

Nhận xét về triển vọng thị trường bất động sản năm 2016, ông Vũ Văn Phấn cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực. Thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng và có sự chuyển hướng đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ, giá bán trung bình khoảng trên dưới 1 tỷ đồng, cũng như gia tăng đầu tư vào bất đống ản công nghiệp, dịch vụ, văn phòng cho thuê để đón đầu hội nhập, nhất là hội nhập TPP.

Cũng theo đại diện Bộ Xây dựng, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm, tuy nhiên, tốc độ giảm sẽ chậm hơn trước vì chủ yếu tồn kho hiện nay là các dự án ở xa trung tâm, hạ tầng chưa đồng bộ, các căn hộ có diện tích quá lớn, giá cả cao, không phù hợp với nhu cầu, khả năng thanh toán của người dân trên địa bàn.

Đồng thời xu hướng mua bán sáp nhập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng các dự án bất động sản tiếp tục tăng. Nhiều dự án trước kia phải tạm dừng sẽ khởi động trở lại, nhiều dự án mới có vị trí tốt sẽ được khởi công, lượng cung ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích vừa và nhỏ, giá bán trên dưới 1 tỷ đồng sẽ tăng đáng kể.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, siết chặt tín dụng nói chung và tín dụng bất động sản vào thời điểm này là chưa cần thiết. Thay vào đó cần kiểm soát tín dụng hiệu quả hơn ví dụ như tín dụng cho người có liên quan với ngân hàng, tín dụng chảy vào các dự án không hiệu quả, tín dụng cấp cho các dự án mà nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính….

Ông Nghĩa cũng cho rằng, để tiếp tục hỗ trợ cho phục hồi kinh tế và thị trường bất động sản thì chính sách tiền tệ nên được nới lỏng một cách hợp lý, có tầm nhìn chiến lược để ổn định lãi suất và linh hoạt tỷ giá một cách bài bản, khoa học.

Theo ông Nghĩa, nếu để lãi suất tiếp tục tăng lên, toàn bộ nỗ lực về phục hồi của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế, tái cấu trúc ngân hàng có nguy cơ không thể đạt được.