Thị trường bánh Trung thu: Không sợ đắt, chỉ sợ không an toàn

ANTĐ - Thị trường bánh mứt kẹo phục vụ Trung thu đang bước vào giai đoạn sôi động nhất với lượng tiêu thụ rất lớn mỗi ngày. Bên cạnh chút băn khoăn về giá cả thì nỗi lo về VSATTP luôn canh cánh.

Người tiêu dùng khắt khe hơn

Người tiêu dùng băn khoăn khi lựa chọn mua bánh Trung thu

So với cùng thời điểm này năm ngoái, sản lượng bánh Trung thu bán ra ở hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này đều giảm đáng kể, thậm chí ở những cơ sở sản xuất bánh truyền thống lượng tiêu thụ giảm đến 30-40%. Chẳng hạn như tại làng nghề Xuân Đỉnh, so với vụ năm ngoái thì năm nay chỉ còn lại khoảng 30 cơ sở sản xuất bánh Trung thu truyền thống trụ lại với nghề, teo tóp đi khoảng gần 10 cơ sở. Hay tại các cơ sở bánh Trung thu truyền thống trên đường Thụy Khuê, hầu hết có sản lượng bán ra giảm khoảng hơn 20%.

Ông Nguyễn Đức Hiền, chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu truyền thống Đức Hiền (199 Thụy Khuê) cho biết, do giá cả nguyên liệu đầu vào thời điểm này đều tăng mạnh nên giá mỗi chiếc bánh Trung thu tại cửa hàng cũng tăng khoảng 10% so với năm ngoái (dao động từ 40.000-70.000đ/chiếc). Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo VSATTP mới là nguyên nhân chính khiến lượng khách mua bánh Trung thu giảm mạnh. “Số khách phản ánh về giá bánh tăng không nhiều nhưng có đến 90% người tiêu dùng rất quan tâm và hỏi nhiều đến VSATTP. Đặc biệt mới đây có thông tin một cửa hàng bánh Trung thu trên phố Thụy Khuê sử dụng nhân bánh nhập lậu không rõ nguồn gốc, lượng tiêu thụ của một loạt cửa hàng đã giảm đột ngột…” - ông Hiền phân tích.

Tại các cửa hàng bánh Trung thu của những hãng sản xuất lớn như Bibica, Kinh đô, Hữu Nghị… dù mẫu mã, chủng loại rất phong phú nhưng vấn đề khách hàng quan tâm nhất vẫn là VSATTP. Một nhân viên cửa hàng bánh Trung thu Bibica ở 54B Bà Triệu cho biết, do lo ngại về vấn đề VSATTP nên năm nay rộ lên việc người dân tự làm bánh Trung thu tại nhà để ăn hoặc đem biếu, khiến lượng khách giảm.

Khởi sắc nhưng còn nhiều sai phạm

Chiều 5-9, đoàn liên ngành số 2 do Sở Y tế chủ trì đã kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn quận Tây Hồ và quận Hai Bà Trưng. Đoàn kiểm tra tập trung vào vấn đề thực hiện các quy định về VSATTP từ khâu sản xuất như các nguyên liệu đầu vào, vệ sinh cơ sở sản xuất, quá trình sản xuất, nhân công sản xuất… đến hoạt động kinh doanh. Qua kiểm tra 5 cơ sở trên đường Thụy Khuê và phố Bà Triệu, nhìn chung VSATTP tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất chính là việc sử dụng phụ gia thực phẩm, phụ gia bảo quản vào trong bánh. Hơn nữa, các cơ sở sản xuất đều in hạn sử dụng từ 10-15 ngày kể từ ngày sản xuất, thế nhưng trong điều kiện thời tiết phức tạp và điều kiện bảo quản không tốt rất dễ khiến bánh bị hư hỏng, sinh độc tố… 

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện tại trên địa bàn thành phố có 162 cơ sở đăng ký sản xuất bánh Trung thu. Ngoài 6 đoàn liên ngành của thành phố, các quận, huyện cũng thành lập các đoàn kiểm tra và tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Qua kiểm tra từ đầu vụ Trung thu đến nay, nhiều cơ sở vẫn tồn tại một số sai phạm, phổ biến nhất là vệ sinh cơ sở lộn xộn; công nhân sản xuất bánh không có trang phục bảo hộ như găng tay, tạp dề, khẩu trang, đội mũ; nguyên liệu sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Đặc biệt, không chỉ bánh sản xuất bán công nghiệp, thủ công mà ngay cả một số thương hiệu lớn cũng tồn tại vi phạm. Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP của Trung ương đã phát hiện tại khách sạn Hilton (Hà Nội) sản xuất bánh Trung thu với các nguyên liệu chủ yếu là bột mì, nhân bánh, phụ gia tổng hợp, hương liệu nhập từ Trung Quốc. Tại thời điểm kiểm tra, phía khách sạn không xuất trình được giấy tờ nhập khẩu hay hồ sơ liên quan đến các nguyên liệu này. Thậm chí khách sạn đã cho in 500 tờ rơi quảng cáo bánh Trung thu nhưng chưa có hồ sơ đăng ký quảng cáo, nội dung quảng cáo cũng không đúng so với thực tế… Trước thực trạng đó, ông Tuấn khuyến cáo, người tiêu dùng khi lựa chọn bánh Trung thu, kể cả các loại bánh cao cấp cũng cần phải xem xét kỹ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, chỉ lựa chọn các loại bánh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, khi sử dụng bánh cũng phải chú ý điều kiện bảo quản, tốt nhất nên sử dụng hết bánh sau khi đã cắt chứ không để lâu dễ sinh nấm mốc, gây ngộ độc.