Thị trường bán buôn điện cạnh tranh: Không có hy vọng giảm giá điện

ANTĐ - Mấy ngày nay, tin về một thị trường bán điện cạnh tranh đã gây xôn xao trong đời sống xã hội. Ai cũng náo nức mong sớm có được sự cạnh tranh trong cung cấp điện vì đã có một sự thật không ngọt ngào: tiền chi cho sử dụng điện bây giờ đang dần trở thành gánh nặng cho mỗi gia đình. 

Cạnh tranh, đơn giản là có nhiều người bán và người mua có thể chọn cho mình người bán có giá thấp lại được cung cấp hàng hóa có chất lượng. Trong khu nhà tôi ở, có nhiều hãng cung cấp dịch vụ mạng. Hễ mạng trục trặc một chút, các nhà lại nhấc điện thoại gọi nhà mạng khác, chỉ trong một buổi, một nhóm thợ đến, kéo dây, lắp thiêt bị, thế là mạng mới lại hoạt động tốt ngay. Ai cũng chắc mẩm, cạnh tranh bán điện chắc cũng như vậy. Không thích mua của nhà này, gọi cuộc điện thoại, nhà cung cấp khác lại đến kéo dây mới… Nhưng hoàn toàn không phải thế, không phải thế…

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh: Không có hy vọng giảm giá điện ảnh 1
Thị trường cung cấp điện cạnh tranh như thế nào?

Trước tiên là về thời gian, việc bán điện cạnh tranh chưa thể diễn ra trong tương lai gần. Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8-11-2013 quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam.

Theo đó, thị trường điện lực được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kết cấu hạ tầng cũng như năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường này. Cấp độ 1 - Thị trường phát điện cạnh tranh: Tiếp tục thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đến hết năm 2014. Cấp độ 2 - Thị trường bán buôn điện cạnh tranh được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn từ năm 2015-2016: Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm. Giai đoạn từ năm 2017-2021: Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Cấp độ 3 - Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn từ năm 2021-2023: Thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm. Giai đoạn từ sau năm 2023: Thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Chúng ta đang ở đoạn thành lập thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm. 

Mới đây, ngày 10-8, theo Quyết định số 8266/QĐ-BCT, Bộ Công thương vừa phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Việt Nam với cấu trúc thị trường bao gồm nhiều thành phần của cả bên bán và bên mua. Việc thí điểm giai đoạn I (tính toán mô phỏng trên giấy, không thanh toán thực) sẽ diễn ra từ đầu năm 2016, sau khi các bước chuẩn bị hoàn tất trong năm nay. Giai đoạn vận hành thí điểm bước II sẽ thực hiện trong khoảng 2 năm 2017-2018, trước khi vận hành chính thức vào năm 2019.

Theo thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh, bên bán điện gồm: đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện có công suất đặt trên 30 MW trực tiếp tham gia thị trường điện; các nhà máy thủy điện có công suất đặt từ 30 MW trở xuống đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, các nhà máy điện được đầu tư theo hình thức BOT, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu cũng sẽ tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Bên mua điện bao gồm: 5 tổng công ty điện lực miền Bắc, miền Nam, miền Trung, TP Hà Nội và TP HCM; khách hàng sử dụng điện lớn mua điện từ cấp điện áp 110 KV trở lên đấu nối trực tiếp vào trạm biến áp truyền tải cấp điện áp 220 KV, các đơn vị mua buôn điện mới… đáp ứng những điều kiện theo quy định của Bộ Công thương. Như vậy trong giai đoạn này, việc cạnh tranh sẽ cũng chỉ diễn ra trong nội bộ EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), có thể gọi là cạnh tranh thử, cạnh tranh thí điểm, và nếu nói thật thì nó giống như thi đua trước đây và không cạnh tranh chút nào. 

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ thực hiện theo hình thức bên mua từ cấp điện áp 110 KV trở lên sẽ đấu nối trực tiếp vào cấp điện áp 220 KV. Như vậy, với cấu trúc mua bán điện mới, vai trò của 5 tổng công ty điện lực sẽ tách khỏi EVN, tức là sẽ hạch toán độc lập. Theo lý thuyết, để vận hành thị trường điện cạnh tranh thì cấu trúc mua bán điện hiển nhiên phải thực hiện như trên. Tuy nhiên, trong thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh lại không đề cập lộ trình tách 5 tổng công ty điện lực ra khỏi EVN.

Thậm chí, việc triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2016 mới chỉ vận hành “thử” trên giấy; đến năm 2017 mới chính thức vận hành thí điểm thị trường này và sẽ hoàn thành dần vào năm 2018. Dự kiến, sau năm 2020 mới có thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Và từ bán buôn cạnh tranh đến bán lẻ cạnh tranh còn cả một khoảng cách mênh mông cả về thời gian lẫn điều kiện vật chất, thể chế cụ thể. Vì vậy bà con hãy yên tâm mà đóng tiền điện. Đành vậy. 

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh ảnh hưởng đến người dân ra sao?

Dĩ nhiên, chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì ảnh hưởng trực tiếp tới người dân sẽ rất nhỏ. Nhưng nhỏ cũng là ảnh hưởng. Chúng ta cần xem xét kỹ. 

Trong cơ chế cung cấp điện hiện nay, các DN phát điện cạnh tranh để  bán cho người mua duy nhất là EVN. Sau đó, EVN sẽ bán lại cho 5 tổng công ty làm nhiệm vụ phân phối - bán lẻ. Khi chuyển sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện được tự do lựa chọn bán điện cho 5 tổng công ty phân phối nói trên. Bên cạnh đó, các đơn vị phát điện còn được bán cho các đơn vị buôn bán lẻ mới thành lập trên thị trường điện và đặc biệt là, các đơn vị phát điện còn được bán điện trực tiếp cho các khách hàng lớn là KCN, nhà máy xi măng, nhà máy thép… bằng cách đấu nối trực tiếp vào lưới điện truyền tải.

Theo Bộ Công thương, hình thành thị trường bán buôn điện với cơ chế vận hành như vậy sẽ tạo động lực để các tổng công ty điện lực phải tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Khi đó, DN và người dân sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện với mức giá điện hợp lý, minh bạch. 

Trong thị trường bán buôn điện, EVN sẽ không còn độc quyền mua buôn điện như trong thị trường phát điện cạnh tranh nữa. Như vậy, việc đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành sẽ loại bỏ vai trò độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển tiếp lên cấp độ thị trường bán lẻ điện, đưa cơ chế cạnh tranh vào tất cả các khâu của ngành điện. Theo thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các khách hàng lớn đủ điều kiện sẽ được trực tiếp mua điện từ các đơn vị phát điện thông qua thị trường. Lúc đầu, chỉ các khách hàng lớn đấu nối lưới truyền tải tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Khi các điều kiện về cơ sở hạ tầng được đáp ứng, có thể xem xét mở rộng đối tượng khách hàng lớn khác được phép tham gia thị trường bán buôn.

Để tạo điều kiện cho khách hàng lớn tham gia thị trường điện, Cục Điều tiết điện lực sẽ nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Bộ Công thương ban hành các quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện kinh tế - kỹ thuật - tài chính đối với khách hàng lớn tham gia thị trường điện theo từng giai đoạn phát triển của thị trường bán buôn điện cạnh tranh; ban hành quy trình đăng ký tham gia thị trường để hướng dẫn các khách hàng lớn thực hiện các thủ tục cần thiết để tham gia thị trường bán buôn điện. Như vậy, rất có thể, dĩ nhiên chỉ mới là có thể, các doanh nghiệp sẽ được hưởng giá điện thấp hơn do bớt đi các khâu trung gian. Giá năng lượng thấp có thể tác động làm giảm giá thành sản phẩm, giúp cho nền kinh tế nâng cao tính cạnh tranh, tốc độ phát triển nhanh hơn, thu nhập người lao động sẽ cao hơn. 

 Giá điện có giảm không? 

Đáng tiếc, câu trả lời là: trước mắt là không giảm và lâu dài, theo cơ chế thị trường cũng sẽ… không giảm. Theo Bộ Công thương trong cuộc trao đổi với báo chí nhân công bố Quyết định số 8266/QĐ-BCT,  các khách hàng lớn tham gia thị trường bán buôn điện sẽ mua điện theo giá thị trường. Các khách hàng còn lại sẽ tiếp tục mua điện từ các Tổng Công ty Điện lực theo biểu giá bán lẻ điện thống nhất toàn quốc như hiện tại. Trong thị trường điện cạnh tranh, giá điện sẽ phản ánh đúng quy luật cung cầu trên thị trường.

Cũng như ở thị trường phát điện cạnh tranh, trong thị trường bán buôn điện, các đơn vị phát điện phải tối ưu hoá chi phí, chào giá thấp đến mức có thể, để được huy động nhiều hơn. Trong khi đó, các đơn vị phân phối cũng phải tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ để cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, các thành phần chi phí này sẽ được phản ánh một cách minh bạch và hiệu quả trong biểu giá bán lẻ điện của khách hàng sử dụng.

Cục Điều tiết điện lực đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiên cứu để trình các cấp thẩm quyền về việc sửa đổi Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Định hướng xây dựng cơ chế giá điện sẽ tập trung vào các nội dung: Điều chỉnh cơ chế giá bán lẻ phù hợp với thiết kế của thị trường bán buôn điện; chi phí mua điện trên thị trường điện là một yếu tố đầu vào để xác định giá bán lẻ điện; giá điện kịp thời phản ánh được biến động của các thông số đầu vào trên thị trường như giá nhiên liệu, tỉ giá, cơ cấu nguồn huy động… của đơn vị điện lực, hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được tiếp tục hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt.

Như vậy, nói là sẽ theo quy luật cung cầu trên thị trường, nhưng chúng ta vẫn xây dựng cơ chế giá bán lẻ chung cho cả nước và giá bán lẻ sẽ phản ánh chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Vâng vậy là vẫn như thế, vẫn như xăng dầu cả nước một giá, vẫn như taxi cả thành phố một giá… và điện cũng vậy, một giá từ mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái. Nghĩa là không có hy vọng giảm giá điện.