Thi trắc nghiệm tuyển công chức: Minh bạch, công bằng

ANTĐ - Nhiều đổi mới đã được áp dụng trong kỳ thi tuyển công chức Hà Nội năm 2013. Trong đó, việc tổ chức thi trắc nghiệm, chấm thi ngay trên máy tính sẽ đảm bảo tính khách quan, minh bạch cho kỳ thi chỉ tuyển 512 “suất” lựa chọn từ 3.837 người.

Nếu không qua được 2 môn thi đầu, thí sinh được “miễn” 3 môn sau (Ảnh minh họa)

Đặt camera giám sát

Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hoa cho biết, vì số lượng thí sinh đủ điều kiện thi công chức năm nay khá lớn (3.837 người) trong khi số máy tính ít (hơn 200 máy) nên kỳ thi được chia ca và bố trí kéo dài trong 10 ngày liên tiếp (từ 14-10 tới 23-10-2013). Mỗi ca thi được chia thành 3 phòng. Thí sinh của mỗi ca thi phải có mặt đúng giờ theo quy định để học quy chế. Sau đó, thí sinh lên phòng thi theo sự hướng dẫn của giám thị, thi xong ra cửa để ký tên xác nhận vào bảng ghi kết quả thi. Ngoài ra, trước đó, các quy định cụ thể về thi trắc nghiệm trên máy tính đã được công bố trên trang Web của Sở Nội vụ Hà Nội để thí sinh có thể trực tiếp tham khảo, nắm chắc trước khi bước vào phòng thi. Ngân hàng câu hỏi môn thi trắc nghiệm môn chuyên ngành (với nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn hóa, y tế tới xây dựng, thanh tra, tài chính...) được công khai trên mạng.

Về tính khách quan, công bằng, ông Nguyễn Đình Hoa cho biết, thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm bởi ngay khi thí sinh làm bài thi xong, máy tính sẽ in bài làm và chấm luôn kết quả. Do đó, thí sinh có thể biết điểm thi ngay tại chỗ. Trường hợp được trên 50 điểm 2 môn trắc nghiệm đầu tiên thì mới được thi 3 môn tiếp theo. Đặc biệt, các phòng thi đều có lắp đặt camera để theo dõi quá trình làm bài thi. Mọi hoạt động của thí sinh cũng như giám thị đều được giám sát chặt chẽ và camera sẽ đảm bảo không ảnh hưởng gì tới quá trình làm bài thi của thí sinh. Đĩa CD lưu trữ hình ảnh thu được từ camera giám sát phòng thi sẽ được lưu trong ít nhất 1 tháng kể từ khi kỳ thi kết thúc. Ông Nguyễn Đình Hoa nói: “Nói chung là các khâu giám sát được làm hết sức nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo sự minh bạch, công bằng, khách quan. Bất kỳ thắc mắc nào về quá trình thi cũng sẽ được giải đáp với hình ảnh được lưu trữ”.

Trả lời câu hỏi về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành công chức của Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hoa cho biết, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác đều tuyển dụng theo đúng các quy định của pháp luật. “Tất cả đều thực hiện theo Luật Cán bộ công chức và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Hà Nội không đặt ra thêm bất cứ tiêu chí, điều kiện hay tiêu chuẩn nào khác” – ông Nguyễn Đình Hoa nói.

Thủ khoa đại học chưa chắc đỗ

Bình luận về thông tin 9 thí sinh dự tuyển vào 4 sở (Tài chính; Công Thương; TT-TT; LĐ-TB&XH) không vượt qua nổi kỳ sát hạch, trong đó, có 5 thủ khoa các trường đại học trong nước và 4 thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi nước ngoài, một chuyên gia ngành nội vụ cho rằng, có 2 khả năng, thứ nhất, có thể chính những thí sinh này không còn nhu cầu làm việc tại Hà Nội nên tự “đánh tháo” bằng cách cố tình trượt. Ở giả thuyết còn lại, các em trượt vì thực sự không đáp ứng được yêu cầu của kỳ kiểm tra sát hạch. “Các em học nước ngoài về hoặc thủ khoa trong nước nhưng chưa chắc hội đủ tố chất làm công chức ở một vị trí công tác nhất định đòi hỏi nhiều kinh nghiệm hoặc kiến thức đặc thù” – vị này nói. 

Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thủ khoa Hà Nội, Thạc sỹ Nguyễn Hùng Cường cho rằng, việc chấm điểm, đặc biệt qua phỏng vấn chỉ phản ánh một phần trình độ của thí sinh nên những thí sinh bị điểm thấp chưa chắc đã kém và ngược lại. Bên cạnh đó, cùng là thủ khoa nhưng chắc chắn họ không đồng đều về trình độ bởi còn phụ thuộc vào môi trường đào tạo và nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân. Thạc sỹ Nguyễn Hùng Cường phân tích, ngay kết quả kỳ kiểm tra, sát hạch của TP Hà Nội cũng cho thấy điều đó. Bởi, trong khi có những thủ khoa không đạt yêu cầu thì cũng có những thủ khoa đạt điểm rất cao. Từng là người du học nước ngoài, Thạc sỹ Nguyễn Hùng Cường cho rằng, với hình thức đào tạo “trăm hoa đua nở” như hiện nay, có không ít trường đại học ở một số nước mở ra chỉ để bán bằng cấp. Do đó, việc đánh giá tấm bằng giỏi nước ngoài còn phụ thuộc bằng đó của trường nào, nước nào, nằm trong top bao nhiêu của các trường đại học trên thế giới... Chủ nhiệm CLB Thủ khoa Hà Nội thẳng thắn: “Không phải thủ khoa nào cũng giỏi và không phải có bằng giỏi đại học nước ngoài là trình độ cao”.