Thị thực điện tử sẽ được giải quyết trong 3 ngày

ANTD.VN - Bắt đầu từ ngày 1-1-2017, Việt Nam sẽ thí điểm cấp thị thực điện tử cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam. Đây là một bước tiến mới cho ngành du lịch trong bối cảnh các nước láng giềng đều đang “chạy đua” trong việc đơn giản thủ tục nhập cảnh nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài. 

Thị thực điện tử sẽ được giải quyết trong 3 ngày  ảnh 1

Việc cấp visa điện tử sẽ làm đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho du khách

Cắt giảm chi phí trung gian

Thông tin với báo chí vào sáng 4-11, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho biết, việc Chính phủ đề nghị với Quốc hội ra Nghị quyết để cho phép cấp thị thực điện tử (visa điện tử) là một bước đi đột phá. Đây là một trong những nội dung mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo sau Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch được tổ chức vào tháng 8 tại Hội An. 

Theo đó, từ ngày 1-1-2017 sẽ cấp thí điểm visa điện tử cho khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Lộ trình cấp thí điểm dự kiến là 2 năm (2017-2018). Theo đề xuất của Bộ Công an, các trường hợp đề nghị cấp visa điện tử sẽ được giải quyết trong 3 ngày. Thời hạn visa là 30 ngày, dự kiến áp dụng đối với tất cả các công dân có hộ chiếu hợp pháp từ tất cả các quốc gia.

Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch cho hay, ưu điểm của visa điện tử đó là khách quốc tế không cần đến thư mời hay giấy bảo lãnh như trước kia. Việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện bằng tài khoản ngân hàng, tạo sự minh bạch, rõ ràng, đồng thời giúp giảm bớt các chi phí trung gian không cần thiết. 

Cũng theo ông Lê Tuấn Anh, hiện tại việc xin cấp thị thực cho người nước ngoài đang ở nước ngoài chủ yếu thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam như các Đại sứ quán, lãnh sự quán. Với dự thảo của Chính phủ hiện nay, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam có thể trực tiếp cấp thị thực cho người nước ngoài. Như vậy, người xin cấp thị thực điện tử không cần phải hiện diện trực tiếp để có thể xin visa. 

Tiếp tục nới lỏng việc cấp visa giấy

Rõ ràng, xu hướng cấp visa điện tử cho người nước ngoài đang là xu hướng toàn cầu khi theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới - UNWTO, trong năm 2015, 11% dân số thế giới khi nhập cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể xin cấp visa điện tử, so với con số chỉ 5% vào năm 2014. Australia là nước tiên phong trong việc cấp visa điện tử từ năm 1996 và tiếp theo đó, nhiều quốc gia như Ả-rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Sri Lanka, Myanmar, Campuchia…

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại việc thí điểm cấp visa điện tử liệu có tạo ra những điều kiện quá dễ dàng, thông thoáng cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hay không và bên cạnh đó, chính sách này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với các du khách xin cấp visa thông thường.

Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Việc cấp visa điện tử chỉ là công cụ để khách du lịch có thể tiếp cận với các thủ tục nhanh chóng hơn, tiện lợi hơn chứ chúng ta không ngộ nhận có visa điện tử là giải quyết tất cả mọi vấn đề. Để có thể nhập cảnh vào Việt Nam, du khách vẫn phải làm các thủ tục cần thiết. Tôi cũng cho rằng, việc cấp visa điện tử không thay thế cho việc chúng ta tiếp tục mở cửa miễn visa cho công dân những nước ở các thị trường trọng điểm của Việt Nam”. 

Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông về việc thí điểm cấp visa điện tử tới các du khách, các doanh nghiệp du lịch quốc tế, Tổng cục Du lịch cũng có những động thái nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong việc xin visa thông thường. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, gần đây đã có những phản ánh về việc áp dụng phí visa cho công dân Mỹ vào Việt Nam quá cao.

Trong đó, mức phí hiện hành là 135 USD/người, được cấp trong thời hạn 1 năm. Ông Nguyễn Văn Tuấn nhận định, điều này đang gây cản trở với nhiều khách du lịch Mỹ bởi đa phần tâm lý du khách đi du lịch ngắn ngày nên không phải ai cũng có nguyện vọng được cấp visa 1 năm với mức phí cao như vậy.

Bởi vậy, Tổng cục Du lịch đã có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh  - Bộ Công an kiến nghị điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời đề nghị các hiệp hội du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch có tiếng nói trong vấn đề này.