Thi thử THPT quốc gia, Hà Nội không lấy kết quả làm điểm kiểm tra định kỳ

ANTD.VN - Để giúp gần 80.000 học sinh lớp 12 làm quen với kỳ thi THPT quốc gia, Hà Nội tổ chức khảo sát trên toàn thành phố với đề thi chung mô phỏng theo cuộc thi này từ ngày 14 đến 17-3. 

Cơ hội cọ sát với quy trình thi thật

Ngày 4-3, Sở GD-ĐT Hà Nội chính thức thông báo, kỳ khảo sát học sinh lớp 12 sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 17-3 trên toàn thành phố. Mỗi học sinh sẽ dự thi 4 bài, trong đó có 3 bài kiểm tra bắt buộc gồm môn: toán, ngữ văn, tiếng Anh và một bài kiểm tra tự chọn khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (tổ hợp môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). 

Chậm nhất ngày 31-3, các cụm trường THPT nộp kết quả kiểm tra khảo sát về sở. Theo yêu cầu từ Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường tuyệt đối không lấy kết quả thi THPT quốc gia vào điểm kiểm tra định kỳ. Đề khảo sát sẽ do Sở GD&ĐT Hà Nội ra dựa theo đề thi tham khảo đã được Bộ GD&ĐT công bố cuối tháng 1/2018. 

Đề thi ra trong nội dung chương trình quy định, bám sát cấu trúc, mức độ đề thi của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Phạm vi kiến thức kiểm tra khảo sát bao gồm chương trình giáo dục lớp 11 và lớp 12, chủ yếu tập trung ở chương trình lớp 12 theo kế hoạch dạy học tính hết ngày 10/3.

Học sinh lớp 12 Hà Nội sẽ thi khảo sát toàn thành phố vào giữa tháng 3 tới

Ông Lê Anh Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan, Phú Xuyên, Hà Nội cho biết, 527 học sinh lớp 12 của trường đã được thông báo và chuẩn bị tâm lý để bước vào kỳ khảo sát toàn thành phố được tổ chức như kỳ thi THPT quốc gia

“Các trường được bố trí thi theo cụm trường. Học sinh được bố trí theo các phòng thi tại các điểm thi. Giám khảo giám sát sẽ bố trí trông chéo giữa các trường trong cụm” – ông Lê Anh Dũng cho biết. 

Cũng theo ông Dũng, cách làm này đã được thành phố triển khai mấy năm gần đây nhằm giúp các thí sinh có thể định hình được cấu trúc bài thi của các môn thi cũng như giảm thiểu sự bỡ ngỡ trong quá trình làm bài.

Làm căn cứ để phân loại học sinh

Ông  Nguyễn Đình Thắng, Hiệu trưởng trường THPT Ba Vì, huyện Ba Vì cho biết trường có gần 500 học sinh lớp 12 sẽ dự thi THPT quốc gia 2018. Mục đích của việc tham dự kỳ khảo sát này ngoài việc giúp thí sinh làm quen với cách tổ chức thi, làm bài thi thì còn là căn cứ quan trọng để nhà trường lên kế hoạch phân loại học sinh, đưa ra phương pháp ôn tập phù hợp cho những học sinh còn hổng kiến thức.

Tương tự, ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa cho biết, hiện trường tập trung đảm bảo trang bị cho học sinh đầy đủ kiến thức theo phân phối chương trình để các em tự tin tham gia kỳ khảo sát sắp tới. “Sau khi có kết quả, nhà trường căn cứ vào thực tế sẽ có kế hoạch bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh” - ông Nhâm cho biết

Nói về xu hướng lựa chọn các môn thi tự chọn năm nay, ông Thắng cho biết: “Các em đều đã được định hướng để lựa chọn bài thi phù hợp để xét tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển ĐH, CĐ. Cho đến nay, tỷ lệ học sinh đăng ký bài thi tổ hợp KHTN và KHXH khá cân bằng, chênh lệch không đáng kể. Tuy nhiên, trong kỳ khảo sát lần này, trường vẫn có một số học sinh đăng ký dự thi cả 9 môn, bao gồm 3 môn bắt buộc và cả 2 bài thi tự chọn tổ hợp. Nhà trường hoàn toàn tạo điều kiện để các em được dự thi đầy đủ để các em thử sức mình” – ông Nguyễn Đình Thắng cho biết.

Trường THPT Đồng Quan thì số thí sinh chọn bài thi tổ hợp KHTN chỉ nhiều hơn khối KHXH 43 em. “Các em đều sớm xác định môn thi theo năng lực cá nhân và định hướng nghề nghiệp. Trong kỳ khảo sát lần này chỉ có 1 trường học học sinh đăng ký thi cả 2 bài thi tổ hợp” – ông Dũng cho biết.

Việc chọn thi cả 2 bài thi tổ hợp theo nhiều chuyên gia tuyển sinh đánh giá điều này không đồng nghĩa với việc tăng khả năng trúng tuyển vì thực tế năm 2017, kết quả trung bình của thí sinh dự thi 2 bài tổ hợp thấp hơn thí sinh chỉ chọn một bài.